Hà GiangChủ nhà hàng Mã Pì Lèng thừa nhận chưa được chính quyền cấp phép xây dựng nhưng công trình không đáng bị tháo dỡ và tẩy chay.
Chiều 5/10, trả lời báo chí, bà Vũ Thị Ánh (57 tuổi), chủ đầu tư nhà hàng, nhà nghỉ Panorama trên đèo Mã Pì Lèng cho biết: "Công trình chưa có giấy phép thì bây giờ tôi sẽ hoàn thiện các loại giấy tờ đó".
Theo bà Ánh, mảnh đất xây nhà hàng này được Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2016, là đất trồng cây lâu năm, 10 năm trước bà mua của người dân địa phương với giá 70 triệu đồng. Khi đó nơi đây còn là đất hoang, chỉ có sỏi đá, không thể trồng được ngô, lúa.
Nhà hàng, nhà nghỉ Panorama trên đèo Mã Pì Lèng. Ảnh: Hoàng Dương |
Đầu năm 2018, một số chuyên gia khuyến nghị nên xây dựng điểm dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng để du khách qua đây có nơi đỗ xe, ngủ, nghỉ, ăn uống. Đề xuất này được huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang ủng hộ để phục vụ tái đánh giá công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn. Bà Ánh đã đề nghị được đầu tư, xây dựng công trình này và được chính quyền địa phương hỗ trợ kéo đường điện từ Đồng Văn về.
Chủ đầu tư công trình Panorama trên đèo Mã Pì Lèng khẳng định, mình không sai trong trường hợp này vì không tự ý xây dựng mà đã được các cấp chính quyền ở Hà Giang đồng ý, trong quá trình xây dựng, nhiều cơ quan chức năng đã đến kiểm tra độ an toàn.
"Công trình này không đáng bị tháo dỡ hay bị tẩy chay", bà Vũ Thị Ánh nói.
Giải thích về lý do toà nhà thiếu tới ba loại giấy phép, bà Ánh nói khi chính quyền địa phương kêu gọi đầu tư xây dựng thì chỉ cố gắng làm cho kịp tiến độ chứ không quan tâm đến việc làm hồ sơ, thủ tục giấy tờ. Bà nghĩ rằng địa phương sẽ lo các loại giấy phép bởi địa điểm xây dựng nằm ngoài vùng lõi của danh thắng đèo Mã Pì Lèng. "Tôi không làm nhà vụng trộm. Nếu vậy sẽ không thể xây dựng được toà nhà như thế này", bà phân trần.
Chủ nhà hàng Panorama cũng cho rằng, nhìn bên ngoài toà nhà sẽ "chướng mắt", nhưng khi vào bên trong thì nhiều người thấy hài lòng. "Tâm huyết của tôi là muốn làm điều gì đó để có nhiều khách du lịch đến đây hơn, cho người dân địa phương đỡ khổ. Nhà hàng là nơi du khách đến tham quan và có những bức ảnh đẹp mang về. Nhiều du khách nước ngoài vào nhà hàng và rất thích thú", bà nói thêm.
Tuy nhiên, bà thừa nhận, huyện Mèo Vạc đã từng yêu cầu hoàn tất hồ sơ thiết kế toà nhà và các loại giấy phép. "Tôi đã đi gặp nhiều đơn vị trong huyện, tỉnh mà vẫn không được cấp giấy phép", bà nói.
Trước đó, bà Mua Hồng Sinh, Phó chủ tịch huyện Mèo Vạc nói "có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền" khi để công trình xây trái phép trên đèo Mã Pì Lèng.
Theo bà Sinh, từ tư vấn của nhiều chuyên gia, huyện Mèo Vạc đã kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng điểm dừng chân ngắm vực Tu Sản, tạo điều kiện cho du khách tham quan. Tháng 3/2018, Chủ tịch tỉnh Hà Giang giao việc này cho huyện Mèo Vạc với nguyên tắc "sử dụng tối đa nguyên liệu tại chỗ, không phá vỡ cảnh quan khu vực".
Tuy nhiên, bà Sinh giải thích, từ khi nhà hàng, nhà nghỉ Panorama bắt đầu xây dựng, huyện đã nhiều lần đến kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công để hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Nhưng đến nay công trình đã hoàn thành, đi vào hoạt động mà chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện các giấy tờ cần thiết. Thời gian tới, nếu chủ đầu tư không hoàn thiện các giấy phép thì huyện sẽ có biện pháp xử lý.
Toà nhà bê tông được xây làm nhà nghỉ, nhà hàng, cafe... ngay trên hẻm vực Tu Sản, ở đèo Mã Pì Lèng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu 2019. Nhà cao 6 tầng, nằm thoải theo sườn đèo, có 5 ban công lớn để du khách ngắm cảnh.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, công trình chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng. Công trình cũng chưa có giấy phép xây dựng.
Ngày 4/10, tỉnh Hà Giang chỉ đạo Sở Xây dựng lập đoàn kiểm tra liên ngành đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình này đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường.
0 nhận xét:
Post a Comment