Quảng NamNhiều người vẫn đưa máy móc, thiết bị vào khai thác vàng tại Bồng Miêu dù mỏ đang đóng cửa theo quyết định của chính quyền địa phương.
Chiều 21/8, khu vực đồi trồng gỗ keo tại mỏ vàng Bồng Miêu ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh vẫn có hơn 10 người đang vận chuyển đất đá từ hầm vàng ra bên ngoài. Hầm được khoét sâu vào lòng núi gần 50 m, dùng nhiều cột gỗ chống tạm bợ.
Vạt rừng trồng gỗ keo gần đỉnh đồi bị đào bới nham nhở, tạo thành vách cao. Đất đá trong hầm được chuyển ra, đưa vào máy xay nghiền nhỏ và dùng nước cho chảy qua máng để lọc lấy vàng. Cạnh đó, một nhóm 7 người lấy đất đá lộ thiên trộn với hóa chất cho vào các bể ngâm ủ có đường kính 10 m, được lót bạt xung quanh.

Nhiều lán trại tạm bợ tại mỏ vàng Bồng Miêu, chiều 21/8. Ảnh: Đắc Thành
Theo quy trình đãi vàng, đất đá được trộn với vôi, soda và một số hóa chất khác rồi đưa xuống bể. Sau 2-7 ngày ủ với xyanua, nước sẽ được bơm liên tục vào bể để vàng theo hóa chất trôi ra và được giữ lại bằng một lớp than hoạt tính kết dính.
Tương tự tại khu vực hầm lò của mỏ vàng Bồng Miêu cũng có nhiều lán trại và hồ chứa quặng vàng. Khoảng 15 người chia thành các tốp đào bới đất đá cho lên xe đẩy, đưa vào máy xay nghiền. Thấy người lạ, các nhóm này lập tức dừng công việc, tắt máy, đưa vào rừng cất giấu.

Đất đá cho vào máy nghiền nhỏ và dùng nước chảy quá máng để lọc lấy vàng. Ảnh: Đắc Thành
Một phu vàng cho biết được chủ thuê đến làm, nhận tiền công từ 200 đến 300 ngàn đồng một ngày. "Nếu thấy lực lượng chức năng truy quét thì cất giấu máy móc rồi chạy vào rừng hoặc lẩn trốn trong hầm. Khi họ rút đi, chúng tôi quay lại làm tiếp", người này kể.
Ông Nguyễn Văn Sự, Chủ tịch xã Tam Lãnh cho biết sau một thời gian tạm lắng, gần một tháng qua lại có nhiều người đến khai thác vàng trái phép ở Bồng Miêu. Ngoài khai thác tại chỗ, nhiều người dùng xe máy chở quặng về nhà.
"Mấy ngày qua, chính quyền xã huy động tất cả nhân lực truy quét người khai thác trái phép để đóng cửa mỏ vàng ", ông Sự nói, cho rằng địa điểm khai thác mỏ rất rộng, địa hình núi hiểm trở, lực lượng công an xã và cán bộ địa phương ít nên tuần tra, kiểm soát chưa chặt chẽ. Do vậy, phải mất thêm nhiều ngày nữa mới có thể đẩy đuổi người khai thác trái phép ra khỏi khu vực mỏ.

Một bể chứa quặng được bơm nước chứa hóa chất ngâm ủ để lọc lấy vàng. Ảnh: Đắc Thành
Trước đó, ngày 27/7, mỏ vàng Bồng Miêu đóng cửa theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam do giấy phép khai thác đã hết hạn từ nhiều năm nay.
Cụ thể, Công ty TNHH Bồng Miêu được cấp phép khai thác mỏ vàng năm 2005, giấy phép hết hạn năm 2016. Theo Luật Khoáng sản, hết thời hạn khai thác phải đóng cửa mỏ nhưng công ty này phá sản nên không thể triển khai. Mỏ vàng không được quản lý chặt chẽ nên người dân từ nhiều nơi kéo về khai thác. Hậu quả địa phương mất tài nguyên nhưng không thể thu thuế, đất đai bị đào bới, hóa chất, bùn thải ra môi trường không được xử lý. Tình trạng này còn dẫn đến mất an ninh trật tự, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sập hầm, sạt lở núi gây chết người.
Tháng 3/2022, sau nhiều lần tỉnh kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu với kinh phí 19,5 tỷ đồng, giao địa phương thực hiện. Kinh phí từ nguồn ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trước đó của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và bổ sung từ ngân sách tỉnh.
Dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu thực hiện trên diện tích 368 ha. Nhà thầu sẽ xây tường chắn cửa lò chính, nổ mìn đánh sập cửa lò khai thác trái phép, tháo dỡ công trình trên bề mặt, san lấp mặt bằng, thu gom xử lý chất thải, trồng cây và giám sát môi trường sau khi đóng cửa mỏ. Dự kiến cuối năm 2024 hoàn thành.
Mỏ vàng Bồng Miêu cách trung tâm xã Tam Lãnh hơn một km về phía nam, được khai thác từ thời Pháp thuộc, là một trong những mỏ có trữ lượng vàng lớn nhất cả nước.
Nhiều người dựng lán trại sử dụng máy móc đào bới núi rừng lấy vàng chiều 21/8. Video: Đắc Thành
0 nhận xét:
Post a Comment