Bình ĐịnhCặp voi đá trải qua gần 1.000 năm, thân chuyển màu đen sậm do phong hóa, nhưng vẫn nguyên vẹn đứng chầu trước cửa Vệ môn thành Đồ Bàn.
Hai tượng voi đá đầu tiên ở Việt Nam vừa được Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia nằm trong di tích thành Đồ Bàn (còn gọi Chà Bàn hoặc Vijaya), tỉnh Bình Định. Thành nằm phía tây quốc lộ 1, cách trung tâm thị xã An Nhơn 8 km, cách TP Quy Nhơn 27 km.
Từ thế kỷ 11 đến 15, nơi đây là kinh đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của vương quốc Champa. Năm 1776, Nguyễn Nhạc mở rộng thành, xây kinh đô đầu tiên của vương triều Tây Sơn, lấy tên thành Hoàng Đế. Năm 1799, Nguyễn Ánh chiếm thành, đổi tên là Bình Định. Hiện di tích còn nhiều hiện vật thời Champa, Tây Sơn, nhà Nguyễn đan xen.

Tượng voi cái thành Đồ Bàn. Ảnh: Cục Di sản văn hóa
Cặp voi đá trải qua gần 1.000 năm vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu, đứng chầu trước cửa Vệ môn (thành Nội), phía trước Tử Cấm Thành. Voi được tạc theo phong cách tả thực, bằng đá sa thạch độ mịn cao, cứng, bền. Con đực cao 2 m, nặng 800 kg, con cái cao gần 1,8 m, nặng 750 kg. Theo PGS Ngô Văn Doanh trong sách Thành cổ Champa, hai tượng voi này có kích thước lớn nhất trong nền nghệ thuật cổ Champa.
Từ ngoài, voi cái đứng bên phải, tư thế tĩnh hơn voi đực, mang nhiều phong cách điêu khắc Champa như thân thẳng, dáng đang đi, hai chân sau tạo liền khối với hai chân trước và đế tượng. Đầu voi to, trán nở, trên trán đội vương miện trang trí cánh sen nhọn hai lớp so le, kết dải. Vương miện buông xuống hai bên, vòng trang sức hình quả chuông.
Hai mắt voi nhỏ, hai tai lớn. Cổ voi đeo yếm buông xuôi, trang trí hình quả trám. Voi cái hiện còn một ngà, vòi khỏe, đuôi dài chấm đất. Thân voi tròn thon, bốn chân to vững chãi, trên mình trang trí hai đường dây thừng thắt bện vuông góc bắt qua hai bên. "Tượng được tạo tác rất đẹp, động tác tự nhiên, toát lên vẻ quyền quý và vương giả", hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia của Cục Di sản văn hóa nêu.
Tượng voi đực bên trái đứng trên bệ đá liền khối, tư thế động, hai chân bước tới phía trước, đầu ngẩng cao, hai mắt nhỏ. Mặt hơi ngoảnh sang trái, hai tai xòe rộng, quanh cổ có 6 lớp dây thừng, thắt lại sau gáy. Vòi buông xuống như đang nhổ cây, là hình tượng phổ biến trong nghệ thuật tạc tượng voi Champa. Hai ngà voi đực đã bị gãy.
Voi đực mang dáng dấp voi chiến, voi cái mang ý nghĩa tôn giáo nhiều hơn. Hai voi đều cân đối, hài hòa, có giá trị mỹ thuật cao. Cục Di sản văn hóa cho rằng đây là cặp tượng voi có hình thức độc đáo trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc voi Champa. Cặp voi còn cho thấy nghệ thuật của người Champa cuối thế kỷ 12 được phục hưng. Những tác phẩm điêu khắc lớn, họa tiết cầu kỳ thể hiện sự hùng mạnh của vương triều lúc đó.

Tượng voi đực thành Đồ Bàn. Ảnh: Cục Di sản văn hóa
Qua phong cách tạo tác, nhà nghiên cứu Pháp J. Boisselier cho rằng cặp voi thành Đồ Bàn thuộc phong cách tháp Mẫm, chịu nhiều ảnh hưởng của nghệ thuật Khmer nửa sau thế kỷ 12. Trải qua gần 10 thế kỷ với nhiều biến cố, dù thân đã đen sậm do phong hóa của thời gian nhưng cặp voi vẫn được bảo quản gần nguyên vẹn.
Voi là loài vật quen thuộc ở vương quốc Champa xưa, sớm được thuần dưỡng phục vụ cuộc sống và quân sự. Voi cũng là biểu tượng vật linh trong Ấn Độ giáo, vật cưỡi của thần Indra (thần sấm sét, chiến tranh, hộ mệnh). Cùng với tôn thờ voi, người Chăm còn coi chúng là bạn, ân nhân. Vì vậy, hình tượng voi phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc Champa, được thể hiện sinh động, nhiều tư thế.
"Nếu tượng voi ở Đồng Dương và Trà Kiệu là sự đam mê, sôi động, thì tượng voi thành Đồ Bàn phong cách Bình Định đi vào sự sâu lắng. Đó là những giá trị đặc biệt của cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn", hồ sơ của Cục Di sản văn hóa nêu.
0 nhận xét:
Post a Comment