latest Post

Lên núi hái lá bép để dành ăn Tết

Bình ThuậnGần Tết người dân vùng cao mang gùi lên núi tìm hái lá bép, mang về để dành nấu các món đặc sản trong những ngày đầu xuân.

Lên núi hái lá bép để dành ăn tết

Người dân vùng cao Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam) vượt núi băng rừng hái lá bép. Video: Việt Quốc

Vào những ngày này, dù đã ăn Tết đầu lúa của dân tộc mình, nhưng người K’ho, Raglai... ở các vùng cao tỉnh Bình Thuận vẫn rộn ràng đón Tết cổ truyền chung của cả nước.

Nguồn thực phẩm không nhiều, anh Lê Hà Ngọt, 40 tuổi, dân tộc Rai, ở xã vùng cao Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) tuần rồi mang gùi lên núi hái lá bép để chế biến các món truyền thống đãi khách cũng như dự trữ cho cả nhà ăn trong mấy ngày đầu xuân.

Ngọn núi Rai Vơ, nơi có rừng lá bép, nằm cách làng hơn 10 km. Anh chạy xe máy theo đường mòn băng rừng. Đến gần chân núi, con đường mòn phía trước có độ dốc cao trơn trợt khó đi, với nhiều khe suối băng ngang, do vậy anh bỏ xe máy lại bên gốc tung, đi bộ thêm 3 km nữa mới được núi.

Dưới tán rừng già lưng chừng ngọng núi Rai Vơ ríu rít tiếng chim, cây lá bép dày đặc mọc theo từng đám xanh um, thỉnh thoảng chen lẫn với mấy chòm tre lồ ô hoặc cây mây rừng, anh Ngọt phải dùng rựa phát dọn mới lọt qua được.

Lá bép là cây thân gỗ nhỏ tán thấp, thường xanh, cao 1,5-3 m. Các nhánh mảnh khảnh mọc đối xứng. Lá dài có chiều dài 12-22 cm, rộng 5-8 cm màu xanh, tùy theo độ già mà có sắc lục đậm hay nhạt.

Anh Lê Hà Ngọt, dân tộc Rai, đi hái lá bép trên núi Rai Vơ, xã Mỹ Thạnh. Ảnh: Việt Quốc

Anh Lê Hà Ngọt, dân tộc Rai, đi hái lá bép trên núi Rai Vơ, xã Mỹ Thạnh. Ảnh: Việt Quốc

Thời điểm này rừng bắt đầu khô, đất không còn ướt như mùa mưa, nên lá bép ít ra đọt non hơn. Phía trước mặt anh Ngọt, một đám cây bép cao quá đầu có nhiều đọt non mơn mởn. Anh với tay hái, nắm gọn trong bàn tay. "Đọt có màu nâu đỏ bóng loáng như thế này là loại non ngon nhất, vì nó mềm và nấu ngọt nước", anh Ngọt cho biết.

Hái xong mớ này, anh Ngọt rảo bước tiếp qua hướng gần khe suối có nước chảy để tìm nhiều đọt non hơn, bởi khu vực gần khe còn giữ độ ẩm, đọt non ra nhiều. Từng mớ từng mớ rau rừng đặc sản này được anh cuốn nhẹ, bỏ gọn vào bọc ni lông, khi đầy sẽ đổ vào gùi. Khoảng hai giờ sau, chẳng mấy chốc, chiếc gùi của anh đã đầy lá bép.

"Thấy vậy chớ nhiều lắm, một gùi đầy là cả nhà ăn được 7 ngày đó", anh Ngọt nói và cho biết muốn giữ lâu phải ủ trong lá chuối đặt nơi thoáng mát.

Cạnh đó hơn chục mét, lùm lá bép cao quá đầu người rung rinh như có ai đó đang đứng hái lá bép. Cất tiếng hú, anh Ngọt nhận ra đó là mấy người dân trong làng cũng lên núi này hái loại lá đặc sản này.

Anh Nguyễn Văn Vương, 39 tuổi, chăm chú hái những đọt non mơn mởn vừa thấy. Bàn tay nhanh nhẹn hái từng nắm bỏ vào bao. Lá bép non màu nâu lục anh bỏ vào bao đeo sau lưng, còn loại già hơn đã chuyển sang màu xanh, anh hái bỏ riêng vào giỏ đeo đằng trước.

Không những hái lá bép, anh Vương còn dùng dao chặt thêm các đọt mây, lột bỏ vỏ gai bên ngoài, cột thành bó, thả vào trong bao. Đọt mây, còn gọi là đọt đắng, theo anh Vương, cũng là một trong những loại thực phẩm tự nhiên mọc trong rừng được người dân bản địa ưa thích.

Lá bép cùng với đọt mây đắng là hai loại thực phẩm có nguồn gốc từ rừng tự nhiên được người Raglai ở Bình Thuận đặc biệt ưa thích. Ảnh: Việt Quốc

Lá bép cùng với đọt mây đắng là hai loại thực phẩm có nguồn gốc từ rừng tự nhiên được người Raglai và K'ho ở Bình Thuận đặc biệt ưa thích. Ảnh: Việt Quốc

Người dân Mỹ Thạnh cho biết, lá bép là loại thực phẩm bổ dưỡng, có thể ăn sống hoặc nấu nhiều món ngon, như: lá bép canh cá, canh thịt, xào tỏi hoặc nấu chung với thịt gà, thịt kỳ đà... Đặc biệt, lá bép non nhồi cùng cá suối, nhét vào ống tre bỏ lên bếp lửa nướng chín làm món "canh ống" đặc sản.

Còn lá bép già, không mang nấu trực tiếp, mà được bỏ vào cối giã nhuyễn trộn với bột gạo, nghệ, thịt, đọt đắng và một số loại rau rừng khác làm món "canh bồi" dùng để cúng và ăn trong các dịp lễ, tết quan trọng trong gia đình.

Ở vùng cao Mỹ Thạnh, không những trên núi Rai Vơ mà một số khu rừng khác cũng có lá bép như: Đèo Nam, Thác 7 tầng, núi 04... Những ngày qua, mỗi ngày có hàng chục người trong làng đi hái lá bép về để dành ăn tết. Họ không bán, vì đây là thực phẩm quý hiếm, phải trực tiếp leo núi vất vả mới có dùng.

Ông Trần Ngọc Quảng, Phó chủ tịch xã Mỹ Thạnh, cho biết tiếng Rai (Raglai) gọi loại rau này là "Nhâm Vbiếp", có nghĩa là "rau thật" (rau ăn không chết). Tiếng Kinh phát âm trại ra là rau lá "bép". Còn các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Bình Phước, Đồng Nai gọi nó là rau nhíp.

Ông Quảng cho hay, rừng bao quanh làng, nhưng chỉ vài khu vực có loại lá thực phẩm này. Cây lá bép chỉ sống ở những khu rừng trên núi cao 300-600 m so với mực nước biển, nơi có tán rừng cao che phủ, không khí mát mẻ, giữ đất ẩm quanh năm. Dân làng đã thử nhổ về trồng, nhưng do môi trường ở dưới làng không thích hợp, nên loại cây ưa mát này không sống được.

"Do vậy, mỗi lần muốn ăn, dân làng chúng tôi phải leo núi vất vả, hái về mới có ăn", ông Quang cho biết.

Theo ông Quảng, người Rai ở Mỹ Thạnh biết dùng món này hàng trăm năm trước. Thế hệ đi trước cứ thế bày cho thế hệ sau biết cách dùng. Đây được xem là loại lá truyền thống, không thể thiếu trong các bữa ăn long trọng, nhất là lễ cúng, ngày lễ, ngày Tết trong năm. "Với chúng tôi, bữa tiệc có nhiều món đi chăng nữa, nhưng nếu thiếu món lá bép thì coi như kém phần thịnh soạn", ông Quảng nói.

Việt Quốc

About Hoàng Anh

Hoàng Anh
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment