latest Post

'Hiệp định Paris là điều kiện tiên quyết để thống nhất đất nước'

Việc thống nhất đất nước dự kiến kéo dài hai năm 1975-1976, nhưng khi thời cơ đến, Bộ Chính trị quyết định phải xong trong tháng 5/1975, theo thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân.

Nhân 50 năm ngày ký kết hiệp định Paris, chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ 20 (27/1/1973), VnExpress phỏng vấn thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng, về sự kiện này.

- Đàm phán Paris là một trong những cuộc đàm phán kéo dài nhất trong lịch sử ngoại giao quốc tế. Vì sao phải mất tới 5 năm mới có thể ký kết hiệp định?

- Một cuộc đàm phán quốc tế thông thường chỉ kéo dài vài ngày, hoặc đến vài tháng. Nhưng đàm phán ký kết hiệp định Paris kéo dài đến gần 5 năm do nhiều nguyên nhân chính trị, bối cảnh lịch sử phức tạp và diễn biến khó lường của chiến trường.

Thứ nhất, quan điểm của quan chức Mỹ và phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi mới bước vào đàm phán rất xa nhau, gần như trái ngược hoàn toàn. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu Mỹ rút quân ra khỏi miền Nam và chấm dứt dính líu về quân sự. Trong khi đó phía Mỹ yêu cầu ngược lại, khẳng định vai trò của họ là cần thiết nhằm duy trì sự ổn định ở miền Nam. Rất nhiều lần đàm phán phải dừng lại vì hai bên không thống nhất quan điểm ở nội dung mấu chốt này.

Thứ hai, lúc đầu đàm phán chỉ gồm phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ, nhưng sau đó mở rộng ra 4 bên với thêm hiện diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa. Việc các bên luôn bảo lưu quan điểm của mình, dẫn đến việc đàm phán chỉ có thể định đoạt bằng kết quả trên chiến trường. Điều này khiến đàm phán kéo dài đến 5 năm, sau khi Mỹ chịu khuất phục trên bầu trời Hà Nội.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân. Ảnh: Sơn Hà

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân. Ảnh: Sơn Hà

Thứ ba, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó vẫn là một nước rất nhỏ, lại đối đầu với cường quốc về kinh tế, quân sự và cực kỳ lọc lõi trong ngoại giao. Để đi đến thắng lợi cuối cùng của hiệp định Paris đòi hỏi khoảng thời gian, chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể chiến thắng trên cả hai mặt trận là quân sự và ngoại giao.

Thứ tư, bản thân Mỹ cũng muốn dùng sức mạnh quân sự để khuất phục Việt Nam, buộc tuân theo các điều khoản có lợi cho họ. Họ nghĩ rằng dùng bom đạn, máy bay B-52 có thể dễ dàng khuất phục chúng ta. Tuy nhiên, đến cuối năm 1972, chỉ khi nhận ra kế hoạch dùng B-52 phá sản, Mỹ mới chịu nhượng bộ.

Đàm phán kéo dài gần 5 năm, song chỉ thực sự có tiến triển từ cuối năm 1971 cho đến năm 1972. Sau các chiến dịch vào năm 1971-1972, chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh bị phá sản, tạo đà thuận lợi rất nhiều cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên bàn đàm phán.

Phía Việt Nam chỉ thực sự đàm phán khi giành được thắng lợi trong cuộc tấn công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Bị thiệt hại nặng, Mỹ mới tính toán xem xét để tìm một lối thoát trong danh dự. Và chỉ khi đó, Mỹ mới bắt đầu coi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một bên đối thoại trực tiếp, bình đẳng để giải quyết các vấn đề của cuộc chiến tranh.

- Đâu là bước ngoặt, định đoạt việc ký kết hiệp định Paris?

- Dù khả năng ngoại giao, đàm phán tài tình đến đâu, cốt lõi của việc giành thế chủ động, điều khoản có lợi về mình vẫn phải xuất phát từ thực tế chiến trường. Khi bắt đầu đàm phán, quân đội Việt Nam mới có thắng lợi xuân Mậu Thân 1968, chưa đủ để phía Mỹ chấp thuận đi đến giải pháp.

Cục diện trên bàn đàm phán bắt đầu đổi chiều sau những chiến thắng liên tiếp của quân dân Việt Nam vào năm 1971 và đặc biệt là năm 1972. Trong đó có chiến dịch đường 9 - Nam Lào; Đông Bắc và Đông Nam Campuchia; Trị - Thiên; Bắc Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Bắc Bình Định và chiến dịch Khu 8 Nam Bộ.

Nhưng đánh dấu bước ngoặt phải nói đến chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng Trị, và bảo vệ bầu trời Hà Nội trong cuộc tập kích bằng B-52. Quân đội Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, kiên cường, làm phá sản chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" khiến Mỹ phải chịu thua trên chiến trường và tiếp theo là trên bàn đàm phán.

Ngay từ tháng 4/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị và giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không Không quân tìm toàn cách đánh B-52. Người dự đoán "sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội".

Sau khi được Bác Hồ giao, Quân chủng Phòng không Không quân đã mất đến 6 năm để nghiên cứu, tìm tòi và cho ra đời cuốn cẩm nang "Cách đánh B-52" vào tháng 10/1972. Bộ tài liệu chỉ 29 trang, nhưng là đúc kết của nhiều tâm huyết, trí tuệ, thậm chí hy sinh của bộ đội ta. Đến tháng 12/1972, tức chỉ sau 2 tháng, ta có trận quyết chiến với pháo đài bay B-52 trên bầu trời Hà Nội.

Thất bại của Mỹ trên chiến trường miền Nam cộng với thất bại của không quân chiến lược Mỹ trên bầu trời Hà Nội đẩy họ vào thế thua không thể gượng nổi. Chấp nhận thất bại, Mỹ buộc phải nối lại đàm phán tại Paris và ký vào bản dự thảo hiệp định mà hai bên đã thống nhất.

- Hiệp định Paris tác động thế nào đến tình hình chính trị hai miền Nam Bắc lúc đó?

- Hiệp định Paris là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường của quân dân ta ở cả hai miền, tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Mỹ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Mỹ và nước đồng minh phải rút hết quân viễn chinh, quân chư hầu, phá hết các căn cứ quân sự, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.

Các bên để cho nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị thông qua tổng tuyển cử tự do. Các bên công nhận thực tế miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị.

Và quan trọng nhất, hiệp định Paris là điều kiện tiên quyết để chúng ta quyết định thần tốc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dự kiến việc này thực hiện trong hai năm 1975-1976, nhưng khi thời cơ đến, Bộ Chính trị đã quyết định phải làm xong trong tháng 5/1975.

Sau này xem lại, nếu tháng 4-5/1975, chúng ta chưa tiến vào Sài Gòn thì tình hình sẽ phức tạp chứ không thuận lợi như từng chứng kiến. Việt Nam đến nay là nước duy nhất khiến Mỹ phải ký một hiệp định toàn diện nhất, đầy đủ nhất như vậy.

Lễ khai mạc cuộc nói chuyện chính thức giữa đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện chính phủ Mỹ tại Paris, ngày 13/5/1968. Ảnh: TTXVN

Lễ khai mạc cuộc nói chuyện chính thức giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Chính phủ Mỹ tại Paris, ngày 13/5/1968. Ảnh: TTXVN

- Gần 5 năm đàm phán, phía Việt Nam nhiều lần rơi vào thế khó, bị ép buộc nhân nhượng. Vậy làm cách nào để Việt Nam duy trì được sự độc lập, tự chủ?

- Suốt sự nghiệp cách mạng từ khi có Đảng, chúng ta luôn luôn nêu cao vai trò độc lập dân tộc về cả chính sách đối nội cũng như đối ngoại. Trước khi ngồi vào bàn đàm phán hiệp định Paris, phái đoàn Việt Nam đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý báu về ngoại giao.

Như khi đàm phán hiệp định Geneve 1954, Việt Nam bị động, không được chủ động nêu ra điều khoản cũng như thời gian đàm phán. Chính vì thế quá trình đàm phán, Việt Nam chịu nhiều sức ép bên ngoài. Điều này đã được rút ra và đúc kết thành kinh nghiệm khi đàm phán hiệp định Paris.

Trước tiên, Việt Nam chủ động đàm phán với Mỹ, chỉ với Mỹ, không để cho các nước lớn khác can thiệp vào quá trình đàm phán. Thứ hai, các bước đàm phán như thế nào là Việt Nam quyết định, không bàn bạc với quốc gia khác, chỉ đàm phán theo đúng phương châm đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên hàng đầu.

Thứ ba, có lúc chúng ta được bạn bè quốc tế viện trợ nhiều khí tài, trang bị. Song việc sử dụng số vũ khí đó đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng thời phải biết cải tiến cho phù hợp với cách đánh của Việt Nam, tức là phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam. Ví dụ trong kế hoạch đánh B-52, trên thế giới lúc đó chưa có quân đội quốc gia nào có thể đánh được B-52. Phải mất 6 năm trời, bộ đội Việt Nam mới xây dựng được cách đánh B-52.

Điều này thể hiện sự độc lập về đường lối kháng chiến, dám đánh Mỹ, biết đánh Mỹ và biết thắng Mỹ, sáng tạo, chủ động trong cách đánh. Tương tự, trong đàm phán, chúng ta cũng tạo nên nghệ thuật "vừa đánh, vừa đàm", biết thắng đối phương từng bước, cuối cùng giàng thắng lợi hoàn toàn.

- Theo ông, từ đàm phán ký kết hiệp định Paris, Việt Nam rút ra được bài học gì trong chính sách đối ngoại hiện nay?

- Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rất gay gắt như hiện nay, đường lối đối ngoại khôn ngoan nhất là giữ quan hệ thăng bằng. Việt Nam không từ chối ai nhưng cũng không lệ thuộc vào ai.

Chúng ta không chọn bên, không ngả về bên này để đối đầu với bên kia. Việt Nam có thể tham gia các quan hệ hợp tác song phương, đa phương, miễn là phù hợp và phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên hàng đầu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chúng ta vị kỷ, theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Chúng ta bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.

Thực hiện đường lối ngoại giao trên các cơ sở này sẽ tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các nước. Những nước lớn cũng không thể chê trách Việt Nam. Quan trọng nhất là chúng ta luôn phải phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc đó là sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học công nghệ, đối ngoại, cũng như các sức mạnh mềm khác.

Sơn Hà - Viết Tuân

About Hoàng Anh

Hoàng Anh
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment