Theo một số chuyên gia, căn cứ để chia hai mức khởi điểm đấu giá biển số là 20 và 40 triệu đồng chưa vững chắc, thể hiện sự phân biệt đối xử.
Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ôtô thông qua đấu giá. Theo dự thảo, mức khởi điểm đấu giá biển số ôtô được chia làm hai vùng: Vùng 1 gồm Hà Nội, TP HCM có mức 40 triệu đồng; vùng 2 là các địa phương còn lại 20 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng việc chia hai mức giá khởi điểm theo địa phương như trên là chưa hợp lý. "Cơ quan soạn thảo dựa vào những tiêu chuẩn, điều kiện gì để định giá khởi điểm biển số ở Hà Nội, TP HCM cao gấp đôi địa phương khác?", ông Phúc đặt câu hỏi.
Theo ông, nếu so về mức sống, thu nhập thì hai đô thị này không khác biệt nhiều so với những thành phố trực thuộc Trung ương như Hải Phòng, Đà Nẵng. Trong khi đó, Hải Phòng và Đà Nẵng có chung mức giá khởi điểm với các tỉnh miền núi phía Bắc. Như vậy, nếu xét theo tiêu chí này thì bất hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: HL
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhận định, người tham gia đấu giá biển số xe "chắc chắn là người có điều kiện về kinh tế". Vì vậy, việc định giá khởi điểm theo mức sống, thu nhập của địa phương là không cần thiết. Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết cũng cho phép người dân tự do đấu giá biển số của tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước, nên thống nhất một mức giá khởi điểm chung sẽ tránh những phiền toái và đảm bảo sự công bằng.
Đại biểu Lê Thanh Vân (thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách) nói, biển số cùng dãy ký tự mà chuyển từ địa phương này sang địa phương khác giá trị đã tăng gấp đôi sẽ không thuyết phục được người dân. "Giá trị biển số hoàn toàn phụ thuộc vào thị hiếu, yếu tố duy tâm. Mức khởi điểm nên bình đẳng ở mọi địa phương, tránh những vướng mắc không cần thiết khi triển khai", ông Vân nói.
Ông cũng cho rằng, đây là nghị quyết thí điểm nên cần giữ một mặt bằng giá, sau khi kết thúc thí điểm mới tổng kết, đánh giá, điều chỉnh lại.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân. Ảnh: Media Quốc hội
Cơ quan soạn thảo là Bộ Công an thừa nhận việc xác định giá khởi điểm của biển số ôtô là "hết sức phức tạp" do biển số là tài sản công đặc thù, giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào thị trường và mức độ "đẹp" theo sở thích của người tham gia đấu giá. Tuy nhiên, Bộ này cho rằng giá khởi điểm chỉ là mức giá ban đầu, trong quá trình đấu giá, tính cạnh tranh giữa những người tham gia sẽ quyết định giá trúng đấu giá của biển số đó. Như vậy, giá trị thật của biển số không phụ thuộc vào giá khởi điểm.
Vấn đề giá khởi điểm khi đấu giá biển số ôtô trước đó đã được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Tại kết luận ban hành ngày 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất để một mức giá khởi điểm, áp dụng chung cho toàn quốc. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu một mức giá khởi điểm phù hợp, không cao quá để thu hút người dân tham gia đấu giá.
Bên cạnh giá khởi điểm, một số vấn đề về thí điểm đấu giá biển số còn có ý kiến khác nhau, như quyền mua bán, trao đổi, cho tặng biển số sau khi trúng đấu giá; mở rộng thí điểm đấu giá với cả xe máy, biển số xe kinh doanh vận tải, hành khách (biển vàng)...
Việc đấu giá biển số xe đẹp được Cục Cảnh sát giao thông đề xuất từ năm 1993, tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, các bộ liên quan không có căn cứ pháp lý triển khai. Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An từng "vượt rào" tổ chức đấu giá biển số xe, thu hàng tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo nhưng đã bị Bộ Tài chính, Bộ Công an "tuýt còi".
Tháng 12/2019, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Công an và thống nhất đẩy nhanh tiến độ, đưa việc đấu giá lên Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn).
Theo chương trình kỳ họp, sau khi đại biểu thảo luận tổ về nội dung này, chiều 15/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.
Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ôtô thông qua đấu giá; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.
Buổi chiều, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội dự án Luật Phòng thủ dân sự. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
0 nhận xét:
Post a Comment