Quảng NinhGiống na bở ở thị xã Đông Triều cho quả nặng 0,5-1 kg, được thu mua với giá đến 120.000 đồng/kg, mang lại cuộc sống khá giả cho 1.500 hộ dân.
Giá na dai ở đây cũng dao động 25.000-50.000 đồng/kg. Vụ na năm nay, thị xã Đông Triều đạt sản lượng hơn 11.000 tấn, giá cũng cao nhất từ trước đến nay.
Sở hữu 300 cây na bở, ông Bùi Xuân Diệu, 48 tuổi, ngụ thôn trại mới B, xã Bình Khê, cho biết na bở vỏ mỏng, vị thanh mát chứ không ngọt sắc như na dai. Đặc biệt, cây na bở Đông Triều cho quả "khổng lồ", dài gần bằng một gang tay người lớn, nặng hàng kg.
Ông Diệu bắt đầu trồng na từ 20 năm trước, khi hầu hết đất đai ở Đông Triều đều đang trồng vải - loại cây xóa đói giảm nghèo của địa phương. Khi na được giá, người dân rục rịch chuyển đổi cây trồng. Đến nay, cả thị xã Đông Triều đã có đến 908 ha trồng na, nhiều nhất trong tất cả các cây trồng. Trong đó, diện tích na bở khoảng 100 ha và đang có xu hướng tăng lên.
"Na bở mới bắt đầu được ưa chuộng trong khoảng 5 năm trở lại đây. Dù giá đang rất cao nhưng xu hướng thị trường luôn thay đổi nên chúng tôi không chuyển ồ ạt mà dịch chuyển dần dần. Mỗi năm vài chục cây", ông Diệu nói.

Mỗi cây na người dân chỉ để khoảng 20 quả cho phát triển. Ảnh: Lê Tân
Không chỉ thấu hiểu thị trường, người trồng na ở Đông Triều còn tuân thủ rất nghiêm ngặt các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây na để cho ra sản phẩm tốt nhất. Ông Bùi Xuân Hanh, 54 tuổi cho biết, nhất úng, nhì bọ trĩ, ba nấm, bốn nhện - đó là bốn nỗi sợ của cây na mà người trồng cần lưu ý phòng tránh.
Có 200 gốc na bở mắt hồng đang cho thu nhập gần 2 triệu đồng mỗi cây, ông Hanh chia sẻ, cây na phải được trồng ở vùng đất không bị ngập úng, dưới đất sâu một mét không có đất sét. Trong quá trình sinh trưởng, người trồng na phải phòng bọ trĩ, nhện đỏ và nấm đa thực xâm hại cây.
"Dù đều dùng các chế phẩm sinh học nhưng vào thời gian trước thu hoạch ít nhất nửa tháng, chúng tôi dừng phun các loại thuốc trừ sâu. Chính vì vậy, đến đầu tháng 9, nếu na chưa thu hoạch hết thì phải dùng túi ni long bọc kín từng quả để phòng ruồi xâm hại", ông Hanh nói.

Quả na nặng 1 kg của vườn nhà ông Diệu. Ảnh: Lê Tân
Cây na sau khi trồng ba năm sẽ cho quả, nhưng những nông dân có kinh nghiệm ở Đông Triều thường dưỡng cây đến năm thứ tư, thậm chí là thứ năm mới bắt đầu thu hoạch. Ông Khang - một hộ dân trồng na ở xã Bình Khê, cho hay mỗi cành na phải được "kiểm tra sức khỏe", xem có thể chịu được bao nhiêu quả. "Có cây, chúng tôi chỉ để 20 quả nhưng tổng trọng lượng đến hơn 10 kg. Tất cả các quả đều to, đẹp như nhau", ông chia sẻ.
Để na sinh trưởng tốt nhất, người dân Đông Triều trồng cây theo hàng thẳng tắp, mỗi hàng cách nhau ít nhất 2 m. Vì thế, vườn na ở Đông Triều đẹp, hút mắt. Chất lượng quả tốt, được tuyển chọn ngay từ khi còn ở trên cây nên hầu hết các vườn na bở ở Đông Triều đều dán tem truy xuất nguồn gốc và đóng hộp để xuất ra thị trường. Dù giá cao, nhưng na bở Đông Triều luôn được thương lái đến tận vườn thu mua toàn bộ sản lượng.

Nhiều nhà vườn bắt đầu phát triển cây giống để bán với giá 30.000 đồng/cây. Ảnh: Lê Tân
Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Đông Triều cho biết, mỗi vụ, người trồng na Đông Triều có thể thu về 300 triệu đồng mỗi hecta. Thị xã đang có chủ trương tăng thêm diện tích trồng na bở.
"Chúng tôi chủ trương áp dụng mô hình VietGAP vào diện tích trồng na mới ở các xã đạt tiêu chuẩn, xã xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu", ông Thắng nói, cho hay sẽ tiếp tục nghiên cứu, áp dụng khoa học, kỹ thuật để na có năng suất, chất lượng cao nhất. Ngoài ra, những nhà vườn có uy tín được khuyến khích ươm giống bán mở rộng diện tích cây na.
0 nhận xét:
Post a Comment