Bình ThuậnMùa măng rộ, người dân ở vùng cao Mỹ Thạnh, huyện Thuận Nam, lên rừng bẻ măng mang về bán, thu nhập 350-400 nghìn đồng một ngày.
Các phụ nữ đang gọt măng ở trong rừng. Video: Tư Huynh
6h, chị Trần Thị Trinh, 40 tuổi, cùng các phụ nữ người Raglai ở xã Mỹ Thạnh mang gùi lên rừng bẻ măng. Đây là mùa măng rộ, có đông người vào rừng lấy măng kiếm tiền.
Chị Trinh theo con đường mòn ở khu rẫy cũ, băng qua 3 con suối, đi bộ lên khu rừng tre cách làng 5 km. Sau đợt mưa lớn tuần trước, trong các lùm tre, nhiều mụt măng lại nhú cao 20-40 cm khỏi mặt đất.
Thấy các mụt măng, chị Trinh dùng chân mang ủng, đá mạnh, gốc măng văng ra trắng nõn. Lúc đầu, đá xong búp nào, chị gọt ngay búp đó, bỏ vào gùi. Nhưng khi vào khu vực sâu hơn, măng mọc dày, chị sắn hoặc dùng chân đá một thể, sau đó mới gom lại, gọt vỏ sạch sẽ, mới bỏ vào gùi.
"Đầu mùa măng còn non, mình phải dùng mũi sắc bén sắn vào gốc, còn bây giờ măng đã lớn, mình chỉ cần dùng chân đá là được", chị Trinh cho biết.
Các cánh rừng ở đây có nhiều tre. Đầu mùa chị Trinh cũng như dân trong làng đi gần, còn bây giờ giữa mùa, đông người đi lấy, nên họ phải đi xa hơn, thậm chí leo lên núi mới có nhiều măng ngon.
"Mùa rộ, mỗi ngày tôi sắn được khoảng 60 kg, có hôm 70 kg, kiếm được khoảng 400 nghìn", chị Trinh nói và cho biết, có người giỏi hơn chị, kiếm được cả tạ măng một ngày.

Chị Trần Thị Trinh bẻ măng rừng, ngày 4/9. Ảnh: Tư Huynh
Chị Nguyễn Thị Huệ, một người cùng đi lấy măng với chị Trinh, cho biết mỗi ngày đi từ 6h đến 14h mới về, chị sắn 70-75 ký măng, bán được 500 nghìn đồng. "Kiếm được số tiền này không phải dễ", chị Huệ cho hay.
Theo chị Huệ, gần đây, người dân ở các vùng lân cận ở Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc cũng lên rừng Mỹ Thạnh bẻ măng, nên măng ngày càng ít. Trước đây, chỉ cần đi rừng vài giờ, người nông dân hái cả bao, nay măng ít phải đi xa hơn, có khi phải leo lên núi.
Mỗi lần đi lấy măng, ngoài cái gùi thường trực trên vai, chị Huệ còn mang thêm bao lớn để đựng. Khi măng trong gùi đầy, chị sẽ đổ vào bao giấu bên bờ suối, rồi đi tiếp. Đến khi gùi thứ hai đầy, chị sẽ trở lại lấy, rồi xuống núi.
"Đi lấy măng phải có sức khỏe để đi bộ và mang vác; còn không, chỉ lấy được ít, không có thu nhập bao nhiêu", chị Huệ cho hay.
Những người khỏe như chị Huệ, chị Trinh thường đi lấy măng xa, cách làng 5-10 km. Còn người già và trẻ con, sức khỏe yếu, thường quanh quẩn ở khu vực lăng Cậu hoặc dưới núi Rùa gần làng.
"Tôi già rồi, chỉ lấy ở bờ suối và khu rừng gần nhà, một buổi sáng được khoảng 150 nghìn đồng cũng đủ trang trải mắm muối trong ngày", bà Yến, một người sắn măng ở chân núi Rùa cho hay.

Bà Yến, dân tộc Raglai (xã Mỹ Thạnh) ngồi ở bìa rừng gọt sạch măng trước khi mang về làng bán. Ảnh: Tư Huynh
Măng là cây phụ giúp người dân vùng cao Mỹ Thạnh thêm nguồn thu nhập, bên cạnh sản xuất nông nghiệp, chủ yếu làm hoa màu, bắp, mì chỉ trong một vụ mưa, phụ thuộc nguồn nước trời.
Theo người dân địa phương, rừng Mỹ Thạnh có 5 loại măng phổ biến, được đặt tên theo từng loài tre, như: măng le, măng mắc mày (nứa), măng lồ ô, măng tre đá, măng tre gai. Trong đó, măng tre gai là được ưa chuộng nhất, vì độ ngọt của nó và có thể nấu, hâm lại, để lâu ngày vẫn dùng được.
"Do đó, măng tre gai được mua với giá cao nhất, 15.000 đồng một kg; trong khi các loại măng còn lại được mua với giá 6.000-7.000 đồng một kg", bà Năm, một người chuyên thu mua măng trong vùng cho biết.
Mùa măng ở vùng cao này bắt đầu từ tháng 7 đến đầu tháng 10 kết thúc. Măng thu hoạch được mang về bán cho các vựa làm măng khô trong làng để làm măng tết bán về miền xuôi. Một số khác bán cho các đầu mối thu mua măng tươi làm măng chua, phân phối xuống các chợ ở Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu...
Tư Huynh
0 nhận xét:
Post a Comment