Đường đi của dòng nước đến hơn 10 triệu dân Sài Gòn - TIN HOT TRONG NGÀY
latest Post

Đường đi của dòng nước đến hơn 10 triệu dân Sài Gòn

“Có váng dầu ngoài bờ sông”. Thông báo ngắn gọn lúc 6h ngày 20/3/2022 khiến ông Đinh Xuân Hòa tỉnh ngủ, lao đến Trạm bơm Hoá An, cách trung tâm thành phố gần 30 km.

“Đó là chủ nhật căng thẳng nhất trong 33 năm sự nghiệp làm trưởng trạm bơm của tôi”, ông Hòa nói về lần đầu tiên ứng phó sự cố tràn dầu.

5 nhân viên sống gần trạm được huy động. Giám đốc Nhà máy nước Thủ Đức từ trung tâm thành phố lập tức đến hiện trường.

Tại nhà máy tiếp nhận và xử lý nước thô thành nước sạch cách đó 14 km, các nhân viên Phòng Quản lý chất lượng nước cũng được triệu tập. Nước về nhà máy liên tục được lấy mẫu, kiểm tra thành phần trước và sau xử lý, tìm dấu vết dầu.

Kịch bản ứng phó tình huống này vốn được Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) chuẩn bị từ 2009, nhưng chưa từng xuất hiện. Sự cố nước sạch sông Đà (Hòa Bình) nhiễm dầu năm 2019 vẫn còn là nỗi ám ảnh với ngành cấp nước. Ông Hòa biết rằng, thảm họa môi trường có xảy ra hay không phụ thuộc hoàn toàn vào tốc độ xử lý lúc này.

Những gợn sóng liên tục đẩy váng dầu trôi qua hai lớp phao ngăn dài 140 m, uy hiếp họng thu nước thô. Hai bờ kè của trạm bơm bị váng dầu phủ đen. Các nhân viên vội vàng thả thêm 175 m phao thấm, hy vọng hút hết dầu quanh họng nước. Nhưng ba lớp phao chưa đủ ngăn tốc độ dòng chảy.

Váng dầu tại vị trí lấy nước của trạm bơm Hoá An (sông Đồng Nai) ngày 20/3/2022. Ảnh: SAWACO cung cấp

Tại nhà máy, ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng nước của SAWACO, liên tục yêu cầu quan trắc nước thô về mỗi 15 phút. Điều ông lo lắng đã đến. Hai trong ba nhà máy phát hiện có dầu trong nước nguồn. Nhưng tình huống chưa phải xấu nhất. Nước qua bể lắng không tạp chất, nghĩa là dầu chưa vào thành bể.

Ngay lập tức, ông Thạch chỉ đạo xả tràn toàn bộ nước trong hệ thống, hy vọng đẩy hết dầu ra ngoài. Sau khi xả khoảng 10.000 m3 trong 2 giờ, nước thô về đã sạch. Các chỉ số quan trắc đạt tiêu chuẩn. Cả nhà máy thở phào.

Những sự cố môi trường như tràn dầu luôn được coi là “quả bom nổ chậm” với bất kỳ hệ thống cấp nước nào, đặc biệt tại TP HCM - nơi nguồn nước phụ thuộc gần như hoàn toàn vào bên ngoài. Dầu thải chỉ mới là sự cố có thể thấy, ngửi được. Thực tế, hàng trăm chất ô nhiễm không mùi, không vị khác đang đe doạ an ninh nguồn nước của thành phố.

Theo báo cáo Hiện trạng môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng nước thải công nghiệp và sinh hoạt trên toàn lưu vực sông Đồng Nai năm 2020 tới gần 4,7 triệu m3 mỗi ngày đêm. Riêng lượng nước thải sinh hoạt của lưu vực này đã bằng 1/3 cả nước, ở mức 10 triệu m3/ngày. Tại sông Sài Gòn, chất lượng nước cũng ngày càng suy giảm qua các năm. Đây là con sông được đánh giá ô nhiễm nặng nhất miền Nam.

GS.TSKH Lê Huy Bá nói: “TP HCM là hạ nguồn lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai nên nguồn nước phụ thuộc vào từng ‘cái hắt hơi sổ mũi’ của thượng nguồn”.

10 năm qua, lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai là nguồn “nhiên liệu” giúp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành “đầu tàu” phát triển với tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn 1,5 lần bình quân cả nước. Chỉ tính riêng 2019, lưu vực này cung cấp hơn 5,1 tỷ m3 nước cho các nhà máy, chiếm 68,3% tổng lượng nước dùng cho công nghiệp Việt Nam. Nhưng đồng thời tải lượng chất ô nhiễm sinh hoạt và công nghiệp đổ xuống hạ nguồn cũng ngày càng tăng.

“Kinh tế và môi trường luôn tỷ lệ nghịch”, ông Bá nói và cho rằng áp lực tăng trưởng GDP của “đầu tàu” kinh tế TP HCM cùng tốc độ gia tăng dân số 2,28%/năm đồng nghĩa với gánh nặng lên tài nguyên thiên nhiên ngày một lớn. Bởi hầu hết lĩnh vực phát triển đều gia tăng nhu cầu sử dụng nước, đặc biệt là quá trình xây mới các khu công nghiệp, khu đô thị…

“Nhiên liệu có giá của nó và cái giá phải trả trong trường hợp này chính là môi trường”, ông Bá đánh giá. Chỉ trong 6 năm, từ 2014 đến 2020, lượng nước thải công nghiệp trên lưu vực này đã tăng 11 lần, từ 111.000 m3 lên 1,21 triệu m3 mỗi ngày đêm. Không chỉ lượng chất thải gia tăng, các loại chất ô nhiễm cũng ngày càng trở nên đa dạng và khó phát hiện hơn.

Khoảng 10 năm nay, TSS, COD, Fe, E.coli, Coliform,… là những chất ô nhiễm thường xuyên được phát hiện ở lưu vực này, đặc biệt tại sông Sài Gòn đoạn qua Bình Dương và TP HCM. Các chất này nếu tồn dư trong nước sinh hoạt có thể khiến nước đục, tanh, có màu vàng; vi khuẩn như E.coli, Coliform có thể gây rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy. Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước mặt phải được lấy mẫu giám sát định kỳ mỗi 6 tháng để xác định giá trị của 36 thông số. Còn với nước sinh hoạt, tần suất này là mỗi tháng một lần với 99 tiêu chí từ Bộ Y tế.

Năm 2021, khảo sát của Trung tâm nghiên cứu châu Á về nước (CARE), Đại học Bách Khoa TP HCM nêu, trên sông Sài Gòn phát hiện những chất ô nhiễm mới, chưa có trong danh mục quan trắc chất lượng nước của cả Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Y tế. Cụ thể, CARE ghi nhận 106 trong 205 chất ô nhiễm hữu cơ bền vi lượng.

Theo kết quả nghiên cứu được giới thiệu tại một hội thảo hồi tháng 4, một số chất vi lượng có nồng độ cao, phát sinh do công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt được tìm thấy ở nguồn nước giữa TP HCM, Tây Ninh và Bình Dương; hay thuốc trừ sâu được phát hiện ở thượng nguồn như Tây Ninh, Bình Dương.

“Thành phần này có thể ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sinh hoạt vì nằm gần điểm lấy nước nguồn của TP HCM”, GS.TS Nguyễn Phước Dân, từ Trung tâm CARE cảnh báo, khi giới thiệu kết quả nghiên cứu và cho biết đã phải gửi mẫu sang Thụy Điển phân tích vì công nghệ của Việt Nam chưa thể phát hiện các chất này.

Điều may mắn là nồng độ các chất được phát hiện còn rất thấp, chưa vượt quy chuẩn quốc tế và chưa gây nguy hại đến sức khoẻ con người. Nhưng đây là chỉ báo quan trọng cho thấy chúng đã xuất hiện trong nguồn nước và không thể chủ quan.

Theo ông Dân, đúng ra, quy hoạch các nhà máy, khu công nghiệp nên đặt ở hạ nguồn sông như TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu chứ không phải thượng nguồn như Bình Dương, Tây Ninh bởi có thể ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho hạ du. “TP HCM không thể kiểm soát hoàn toàn chất lượng nước đầu ra”, ông nói, đề cập đến việc quy hoạch khu công nghiệp cần theo vùng chứ không phải theo địa phương như hiện nay.

Theo thạc sĩ Đào Phú Khánh, Phó khoa Sức khỏe Môi trường - Y tế Trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, chất ô nhiễm hữu cơ bền là loại độc hại nhất trong các chất ô nhiễm. Độc tính của nó thuộc nhóm có khả năng gây ung thư cho con người, khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, có khả năng di chuyển và phát tán xa, tích tụ sinh học cao.

Làm công tác giám sát chất lượng nước sinh hoạt tại TP HCM, ông Khánh chưa từng phát hiện loại ô nhiễm này trong nước bởi chúng không thuộc danh mục đánh giá, đồng nghĩa chưa có giá trị giới hạn để đo mức độ an toàn. “Nếu thật sự phát hiện chất này trong nước thô thì phải phân tích cả nước sinh hoạt để đo hàm lượng, đưa vào danh mục quan trắc thường xuyên và đánh giá nguy cơ. Nếu nước sinh hoạt có hàm lượng lớn chất này sẽ rất nguy hiểm”, ông nói.

About Hoàng Anh

Hoàng Anh
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment