Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói khối lượng công việc rất lớn, nhiều năm qua thành phố khó giảm biên chế theo yêu cầu Bộ Nội vụ, trong cuộc phỏng vấn với VnExpress.
- TP HCM vừa bị phê bình là địa phương duy nhất đi ngược xu hướng chung vì dôi dư hơn 5.700 biên chế, trong bối cảnh năm 2021 cả nước lần đầu vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế sau gần hai thập kỷ. Quan điểm của ông về việc này?
- Đó không phải là số cán bộ dôi dư, mà là số biên chế thực tế, cần thiết nhưng chưa có sự phê duyệt chính thức của Trung ương. Với khối lượng công việc ngày một tăng, công viên chức, cán bộ không chuyên trách và người lao động làm việc tại TP HCM ngày càng bị áp lực. Không tính khách vãng lai, trung bình theo số biên chế được HĐND giao hiện nay, mỗi công chức phục vụ khoảng 844 người dân; nếu tính cả biên chế phường xã, mỗi công chức phục vụ 346 người dân.
Nếu HĐND không phê duyệt số người làm việc như hiện nay sẽ khó đủ nhân sự hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Điều này thể hiện rõ nhất trong giai đoạn thành phố chiến đấu với đại dịch vừa qua. Ngoài lực lượng tại chỗ, thành phố phải nhờ sự hỗ trợ của Trung ương, các tỉnh, thành khác với gần 29.000 người. Nếu không có nhân lực viện trợ đó, có lẽ TP HCM không thể vượt qua đại dịch.
Một khía cạnh khác, vấn đề dôi dư biên chế của thành phố thời gian qua do yếu tố lịch sử để lại dựa trên nhu cầu thực tế của TP HCM. Ở giai đoạn 2003-2015, nhiều đơn vị ở thành phố do tăng chức năng, nhiệm vụ đã phát sinh, bổ sung 3.888 biên chế theo quy định, nhưng chưa được Bộ Nội vụ công nhận.
Thực tế, số biên chế công chức và người làm việc hiện nay trong bộ máy thành phố đã và đang cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển, phục vụ người dân suốt thời gian qua, không có nhân lực nhàn rỗi. Đó là lý do nhiều năm nay, thành phố không thể giảm biên chế theo yêu cầu của Bộ Nội vụ.
- Nhiều năm qua, số lượng biên chế thành phố đề xuất luôn cao hơn con số Trung ương phân bổ. Đơn cử như năm 2021, HĐND TP HCM thông qua Nghị quyết về kế hoạch biên chế hành chính với gần 15.200 người, cao hơn 7.330 biên chế mà Bộ Nội vụ giao. UBND căn cứ trên cơ sở nào để trình HĐND số biên chế này?
- Từ năm 2003 đến nay, số biên chế hành chính của thành phố luôn cao hơn số lượng Bộ Nội vụ giao. Hàng năm, UBND thành phố thường xuyên báo cáo và kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, công nhận số biên chế này sao cho phù hợp tình hình thực tế, khối lượng công việc của một đô thị đặc biệt, đầu tàu kinh tế, phục vụ hơn 10 triệu dân nhưng chưa có sự thống nhất.
Đến đầu năm 2021, số biên chế hành chính chênh lệch hơn 3.600 người so với yêu cầu Bộ Nội vụ giao. Tháng 7/2021, TP HCM thực hiện chính quyền đô thị và đã có công văn gửi Bộ Nội vụ cho bổ sung hơn 3.700 công chức làm việc tại các phường thực hiện chính quyền đô thị nhưng chưa được đồng ý.
Để triển khai Nghị định số 33/2021 của Chính phủ, HĐND thành phố đã thông qua số biên chế hành chính bổ sung cho các quận để phân bổ đến các phường thực hiện chính quyền đô thị. Do đó, số biên chế hành chính của TP HCM lại tiếp tục cao hơn số Bộ Nội vụ giao đầu năm là 7.336 người.
Vừa rồi, Bộ trưởng Nội vụ vào làm việc có đề cập đến số chênh lệch này. Sau đó, chúng tôi báo cáo, Bộ trưởng cũng thống nhất TP HCM sẽ có giải trình, phân tích trên hiện trạng, nhu cầu, đặc điểm của thành phố để đưa ra đề xuất. Sau khi về Hà Nội, một tuần sau, Bộ trưởng nhắc thành phố sớm báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, Chính phủ, Bộ Nội vụ nhằm sớm giải quyết.
Tinh thần của TP HCM là không đòi nhiều, nhưng phải đủ, phù hợp thực tế để đảm đương công việc. Bộ Nội vụ cũng thống nhất quan điểm, nguyên tắc này. Còn kết quả cụ thể thì thành phố phải báo cáo và đề xuất. Trong nửa đầu tháng 7 chúng tôi sẽ hoàn thiện báo cáo để gửi Trung ương.
- Ở lần báo cáo này, TP HCM sẽ tiếp tục theo đuổi đề xuất Trung ương cho giữ số biên chế như hiện nay hay cắt giảm theo yêu cầu của Bộ Nội vụ?
- Thành phố sẽ phân tích đúng hiện trạng, nhu cầu và đề xuất giải pháp phù hợp. Thực tế, số biên chế công chức và người làm việc hiện cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tế phát triển thành phố. Do đó, chúng tôi sẽ báo cáo đầy đủ để Bộ Nội vụ xem xét, kiến nghị Chính phủ công nhận số lượng biên chế công chức và người làm việc tại TP HCM cho phù hợp, tạo điều kiện thành phố hoàn thành nhiệm vụ.
- Nhiều năm qua, TP HCM đều đề xuất tăng biên chế nhưng không được cấp trên phê duyệt. Lần này thành phố đưa ra phương án như thế nào để thuyết phục Trung ương và Bộ Nội vụ?
- Chúng tôi sẽ tiếp cận ở góc độ dựa trên nhu cầu thực tế để hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ người dân tốt hơn. Lấy ví dụ, số hồ sơ TP HCM tiếp nhận về thủ tục cấp chứng nhận tiêu chuẩn ISO năm 2019-2020 là 17-18 triệu, chiếm gần 1/3 cả nước. Ở cấp xã, phường, nhiều nơi dân số hơn 100.000 nhưng chỉ có 37 biên chế cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, cũng giống như những nơi 10.000 dân là chưa phù hợp.
Hay ở lĩnh vực y tế, dự kiến năm nay thành phố tiếp nhận 43 triệu lượt điều trị. Viên chức ngành y tế không chỉ phục vụ dân TP HCM mà còn các tỉnh lân cận, thậm chí cả nước bạn Lào, Campuchia. Khối lượng công việc rất lớn nên cần số biên chế tương xứng.
Về giáo dục, bình quân mỗi năm thành phố tăng 21.000 học sinh các cấp, dẫn đến nhu cầu xây dựng mỗi năm 90 trường các loại, cần tuyển dụng hơn 1.000 người giáo viên trong và ngoài công lập. Trường học không thể thiếu giáo viên nên buộc phải bổ sung biên chế viên chức...
- Trung ương đang có phương án giao một "gói biên chế", cho phép thành phố tự tổ chức lại bộ máy nhân sự. Thành phố mong muốn gói biên chế này được giao thế nào để phục vụ người dân tốt nhất?
- Nếu Trung ương chấp thuận cơ chế tự chủ trong việc giao biên chế, TP HCM sẽ rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, tăng mức độ tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp, thực hiện xã hội hóa các dịch vụ công; sử dụng hiệu quả số biên chế hành chính, số người làm việc trên địa bàn.
Ngoài ra, chúng tôi mong muốn Trung ương giao biên chế theo dân số và khối lượng công việc (ví dụ như số hồ sơ phải tiếp nhận) để phù hợp đặc điểm thành phố nói riêng và các địa phương đông dân nói chung. Cách giao biên chế cần công khai, minh bạch, và phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Ví dụ, các địa phương được giao "biên chế cứng" cho một bộ máy với các vị trí, chức năng, nhiệm vụ như nhau. Sau đó, Trung ương có chỉ số để địa phương được tăng thêm "biên chế mềm" phù hợp đặc điểm riêng.
- Bên cạnh đề xuất bổ sung nhân sự cho những địa bàn khối lượng công việc nhiều, thành phố sẽ tinh giản biên chế, làm gọn bộ máy. Việc này được thực hiện ra sao thay vì sắp xếp biên chế chỉ tập trung vào số cán bộ nghỉ hưu, thôi việc?
- Nhằm tinh gọn bộ máy theo yêu cầu của Trung ương, từ năm 2015, thành phố lập tổ công tác thẩm định tinh giản biên chế với thành viên là đại diện Văn phòng Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội thành phố. Hàng năm, Sở Nội vụ được giao là cơ quan thường trực, giúp kiểm tra thực hiện Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế.
Dù số biên chế tinh giản chưa đạt yêu cầu của Bộ Nội vụ, nhưng thực tế những năm qua thành phố đã giảm rất nhiều. Cụ thể, từ 2015 đến nay, thành phố giảm 32.940 biên chế viên chức ngành y do các đơn vị tự chủ, nên số viên chức giảm từ hơn 120.000 còn khoảng 100.000, tiết kiệm hơn 3.952 tỷ đồng (mỗi viên chức giảm tiết kiệm 120 triệu đồng ngân sách trả lương hàng năm).
Còn với công chức, đến nay thành phố giảm khoảng 2.000 người so với 2015 (không tính công chức tăng do thực hiện chính quyền đô thị). Mỗi công chức giảm tiết kiệm được 138 triệu đồng nên thành phố giảm chi 276 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng từ 2015 đến nay, thành phố tiết kiệm khoảng 4.228 tỷ đồng nhờ tinh giản biên chế.
Thành phố đã thực hiện nghiêm các nghị quyết, quy định và có nhiều giải pháp, nhưng không thể giảm để đạt con số tuyệt đối như các địa phương có dân số, công việc hành chính ít hơn nhiều lần. Thời gian tới, chúng tôi căn cứ quy định, hướng dẫn của Trung ương để tổ chức, xây dựng, sắp xếp bộ máy hành chính công đạt hiệu quả...
Thu Hằng
0 nhận xét:
Post a Comment