Cuộc sống ở 'chảo lửa' miền Trung - TIN HOT TRONG NGÀY
latest Post

Cuộc sống ở 'chảo lửa' miền Trung

Mang áo tơi đi cấy lúa 3h sáng cho kịp thời vụ, anh Nguyễn Đình Vinh ở Hương Khê, Hà Tĩnh, canh cánh nỗi lo mất mùa khi nắng nóng kéo dài.

Trong đợt nắng nóng lịch sử tại Hương Khê, khi mức nhiệt 43,4 độ C ngày 20/4/2019 được báo Mỹ The Washington Post ghi nhận là "cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam", anh Vinh, 35 tuổi, trú xã Hà Linh, trồng một mẫu lúa song chỉ thu hoạch được 5 sào, còn lại chết khô. Nhiều gia đình trong xã cũng lâm cảnh tương tự, kinh tế khó khăn. Vì vậy, cứ đến vụ hè thu, anh Vinh luôn đắn đo xem trồng loại hoa màu gì cho phù hợp.

Vụ hè thu 2022, nắng nóng không đạt đỉnh như hè 2019, nhưng qua theo dõi thấy nền nhiệt thường xuyên trên 35 độ, có hôm 38-39 độ C, anh Vinh quyết định chỉ cấy 4 sào lúa, đề phòng khô hạn sẽ đỡ tốn chi phí và công sức chăm sóc, diện tích đất còn lại định trồng cây đậu nay để không. Đầu tháng 6, hàng ngày cứ 3h, anh Vinh nhờ ông bà nội đến trông giúp hai con nhỏ, vợ chồng tranh thủ ăn lót dạ bát cơm, mang áo tơi ra đồng nhổ mạ cấy lúa để tránh nắng, đến 8h khi mặt trời tròn bóng thì về, làm liên tục trong một tuần thì xong.

Nguyễn Đình Vinh kể về cuộc sống ở vùng khí hậu khắc nghiệt Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng

Nguyễn Đình Vinh kể về cuộc sống ở vùng khí hậu khắc nghiệt Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng

Anh Vinh mô tả, nắng nóng tại Hương Khê khó chịu, đứng ngoài đồng khoảng 5-10 phút đã cảm thấy bỏng rát. Mỗi đợt nắng nóng kéo dài khoảng 3-5 ngày, nhiều là một tuần, có những năm kéo dài hơn nửa tháng. Lúc nhiệt độ lên đến 36-38 độ C, căn nhà cấp bốn đang ở giống lò lửa, chạm tay vào các vật dụng như tủ nhôm, xoong nồi... thấy nóng phừng phừng. Buổi tối mọi người thường ra đường ngồi dưới tán cây cho đỡ oi bức, có hôm hơn 22h mới vào ngủ.

Nhà kinh tế eo hẹp, không có tiền mua điều hòa hay quạt hơi nước, những ngày nắng gắt vợ anh Vinh luôn múc một chậu nước lạnh đặt trước quạt điện, ngay tại giường của hai con trai nhỏ để lấy hơi nước làm mát, còn vợ chồng trải chiếu giữa nền nhà ngủ. "Có đêm cứ trằn trọc không thể ngủ, mồ hôi ướt đẫm áo. Đôi lúc tôi phải tắt quạt điện, vì quạt lâu trong vài tiếng, gió từ quạt khi phả vào người trở nên nóng, khô hết cổ họng, dậy uống nước liên tục", anh Vinh kể.

Hàng chục năm sống tại "chảo lửa", anh Vinh có thói quen mùa hè đến đi mua, hoặc tìm kiếm những loại cây như rau má, ngải cứu, râu ngô... về phơi khô, lúc trời nóng thì nấu nước uống giải nhiệt. Ngoài ra, trong bữa ăn, vợ anh thỉnh thoảng luôn chà hạt đậu xanh, đem nấu canh với lá tía tô để bồi bổ sức khỏe.

Người dân ở huyện Hương Khê mặc áo tơi (được kết từ lá nón và dây mây) để chống nắng nóng khi làm đồng hồi đầu tháng 7. Ảnh: Đức Hùng

Người dân ở huyện Hương Khê mặc áo tơi (được kết từ lá nón và dây mây) để chống nắng nóng khi làm đồng hồi đầu tháng 7. Ảnh: Đức Hùng

Những nông dân như anh Vinh lo lắng nhất là hạn hán, thiếu nước sinh hoạt. Năm 2019, giếng trong nhà cạn trơ đáy, anh phải xách bình nhựa đi sang nhà hàng xóm xin, dùng dè sẻn. Sau đó các giếng trong thôn đều cạn, anh chi 20 triệu đồng để khoan thêm, đến nay vẫn sử dụng. "Hè này hai giếng vẫn đáp ứng đủ nước cho gia đình, nhưng các đợt nắng cứ xuất hiện liên tiếp và kéo dài thì cũng chưa thể lường trước điều gì", anh Vinh nói.

Giống anh Vinh, người dân các huyện vùng núi Nghệ An như Tương Dương, Con Cuông cũng luôn ám ảnh bởi nắng nóng. Ông Lang Văn Tần, 52 tuổi, vẫn nhớ như in đợt hạn hán kéo dài hồi tháng 6/2019, có thời điểm mức nhiệt lên 43,3 độ C, khiến thiếu nước trầm trọng. Ròng rã suốt hai tháng, ông Tần phải lái xe máy mỗi ngày hai lượt ra bờ suối ở xã Mậu Đức, huyện Con Cuông chắt chiu từng bát nước, đem đổ vào can nhựa về cho gia đình sinh hoạt.

"Thời điểm đó cả vùng hàng trăm giếng khơi trơ đáy. Lo nhất là suối cạn kiệt, dịch bệnh bùng phát", ông Tần nói. Sau đó huyện Con Cuông đã trích 300 triệu đồng hỗ trợ 4 xã trên địa bàn, trong đó có Mậu Đức, cử lực lượng chức năng đào 32 giếng ven các con suối để tích nước, bố trí 6 tẹc nước có dung tích 2.000 lít để dẫn nước từ các công trình này về bản phục vụ người dân, song mỗi khi hè về nỗi lo thiếu nước vẫn thường trực.

Cuộc sống ở 'chảo lửa' miền Trung

Chính quyền huyện Con Cuông (Nghệ An) đào giếng ven suối để lấy nước sinh hoạt cho người dân, tháng 7/2019. Video: Bá Hậu

Tại Tương Dương, người dân cho rằng mức nhiệt 38 hay 40 độ C đã quá quen, không mấy ai ngạc nhiên. Tuy nhiên, theo bà Đậu Thị Liễu, trú xã Xá Lượng, những người ở tỉnh khác đến vào mùa hè cảm thấy khiếp sợ với "đặc sản nắng như thiêu đốt" tại vùng đất này. Để tránh nắng, ngoài đi làm sớm, dân bản tại đây hạn chế gieo lúa, tỉa ngô trên đồi cao, thay vào đó là trồng các loại cây chịu nhiệt tốt hơn như sắn, keo để giảm bớt thiệt hại từ khô hạn.

Miền Trung chịu tác động mạnh của tổ hợp thấp nóng và gió phơn, thường xảy ra những đợt nắng nóng gay gắt (35-37 độ C) và đặc biệt gay gắt (trên 37 độ C). Nhiều tỉnh thường xuyên bị thiếu nước, xâm nhập mặn, cháy rừng. Đỉnh điểm là đợt nắng hạn giữa năm 2019, Nghệ An sở hữu 625 hồ đập thì có đến hơn 100 hồ dung tích 500 m3 trở xuống cạn xuống mực nước chết hoặc trơ đáy. 3.000 ha hoa màu bị chết khô hoặc giảm năng suất, 6.000 ha lúa thiếu nước ngả vàng.

Hà Tĩnh có 89 hồ cạn nước, 44.000 ha lúa và 85% diện tích bị hạn. Tại Quảng Trị, độ mặn trên một số sông là 5,5-6,9‰, cao nhất so với những năm trước đó, hồ chứa chỉ đạt 23,3% dung tích so với thiết kế. Cuộc sống người dân ở những vùng này vì thế ảnh hưởng nặng nề do mất mùa diện rộng.

Người dân huyện Tương Dương tranh thủ cấy đêm tránh nắng nóng, năm 2021. Ảnh: Đình Tuân

Người dân huyện Tương Dương tranh thủ cấy đêm tránh nắng nóng, năm 2021. Ảnh: Đình Tuân

Cùng thời điểm này giữa năm 2019, hàng trăm ha rừng từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế bị cháy, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Nắng nóng, gió phơn thổi mạnh khiến việc dập lửa khó khăn, hỏa hoạn liên tục bùng phát khiến hàng nghìn người phải vất vả nhiều ngày mới khống chế được.

Để giảm thiểu thiệt hại trong lâm nghiệp, nhiều địa phương đã ứng dụng công nghệ trong phòng cháy như lắp camera giám sát lửa rừng cả ngày lẫn đêm, bán kính gần 10 km, tích hợp pin năng lượng mặt trời tại khu vực không có điện lưới, sóng 4G để truyền tải dữ liệu, chụp ảnh về trung tâm giám sát.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, nhà chức trách các tỉnh cũng khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng. Quảng Trị đến nay chuyển nhiều diện tích lúa nước sang cây trồng cạn, áp dụng tưới tiết kiệm nhỏ giọt tại gốc cây, phun mưa, tưới ngầm cục bộ lên các loại cây như lạc, ngô, ổi, tiêu, cam, sâm bố chính... Hệ thống này giúp quản lý nước tưới, dinh dưỡng và thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả.

Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, thích ứng với khí hậu khắc nghiệt, tại những phố thị của miền Trung, người dân cũng có cách thiết kế để giảm nhiệt cho nhà cửa vào mùa hè. Theo kiến trúc sư Hồ Huy, với vùng nắng nóng nhất nước như ở TP Đông Hà, các ngôi nhà phố được thiết kế vách tường ốp đá, hành lang chắn nắng, chống bức xạ nhiệt, mái nhà vươn ra xa khỏi tường, làm thêm các hạng mục tạo vi khí hậu như tiểu cảnh, hồ cá... để chống nóng.

Tương Dương (Nghệ An), Hương Khê (Hà Tĩnh), Đông Hà (Quảng Trị) là ba vùng nắng nóng nhất nước. Trong 5 giá trị cao nhất tại ba huyện thị này tính từ năm 1990 đến 2021, mức nhiệt luôn ở 41-43,4 độ C. Ngoài ra, nhiệt độ hàng ngày giữa các vùng trong mỗi tỉnh cũng không biến động nhiều, chỉ chênh lệch nhau từ 0-1,5 độ C, do vậy thời tiết luôn oi bức.

Đức Hùng - Nguyễn Hải - Hoàng Táo

About Hoàng Anh

Hoàng Anh
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment