Chính quyền Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây với 5 đoạn có chiều dài gần 2,7 km, tại hai huyện Trần Văn Thời và U Minh, ngày 20/7.
Phạm vi sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau thuộc đoạn từ bờ Nam cống Kênh Mới đến bờ Bắc cống Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời và khu vực Vàm Tiểu Dừa, huyện U Minh. Hiện 5 vị trí này có đai rừng hộ rất mỏng hoặc không còn. Một số đoạn được gia cố tạm khoảng 10 năm trước, nay mất khả năng chống đỡ thiên tai.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, sạt lở nguy cơ đe dọa tính mạng, nhà ở nhiều người dân và các công trình phòng chống thiên tai, hệ thống lưới điện, các khu di tích lịch sử cấp quốc gia, trường học... Việc công bố tình huống khẩn cấp nhằm huy động các nguồn lực và lực lượng ứng phó các tình huống khẩn cấp.
Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh được giao chủ trì, chuẩn bị phương tiện và lực lượng cứu hộ, cứu nạn; sơ tán, di dời người dân ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm... Đồng thời, các cơ quan chức năng phải cắm biển cảnh báo, khoanh vùng không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở.
Những năm qua tình trạng sạt lở đê biển Tây đoạn từ bờ Nam cống Kênh Mới đến bờ Bắc cống Đá Bạc và Vàm Tiểu Dừa rất phức tạp. Đầu tháng 8/2019, sóng lớn, mưa giông và triều cường dâng cao khiến nước biển tràn qua đoạn đê từ Kênh Mới đến Đá Bạc 0,3-0,4 m, gây sạt lở nghiêm trọng. Mới đây, ảnh hưởng gió mùa Tây Nam và triều cường gây sạt lở ba vị trí đê với tổng chiều dài 110 m tại huyện Trần Văn Thời.
Đê biển Tây tỉnh Cà Mau dài khoảng 108 km, thuộc địa bàn hai huyện Trần Văn Thời và U Minh, có vai trò bảo vệ hơn 90.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và hàng nghìn hộ dân...
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm Cứu hộ cứu nạn Cà Mau, từ đầu tháng 7 đến nay, giông lốc đã giật sập 177 căn nhà, tốc mái 1.270 căn. Giông lốc, triều cường làm sập gần 2.000 ha lúa, gần 300 ha vuông tôm, ao nuôi cá của người dân bị ngập.
An Minh
0 nhận xét:
Post a Comment