Tương Dương (Nghệ An), Hương Khê (Hà Tĩnh) và TP Đông Hà (Quảng Trị) là ba huyện thị đang nắng nóng nhất cả nước, lúc cao điểm lên 43 độ C.
Cách nhau hàng trăm km, song ba huyện thị trên lại chung hình thái khí hậu nắng nóng khắc nghiệt. Cuối tháng 6 và giữa tháng 7, nhiệt độ các khu vực này luôn từ 35 độ C trở lên, kéo dài cả tuần.
Tại trung tâm TP Đông Hà, mới 9h nhưng mặt đường nhựa như "bốc hỏa", mọi người phải rảo bước hoặc lái xe nhanh để tránh nóng. Ở hai huyện Tương Dương và Hương Khê, đất đai, hoa màu tại một số cánh đồng nứt nẻ, khô héo, vài ao hồ cạn nước.
Vừa lùa đàn trâu ra ăn cỏ ở cánh đồng xã Hà Linh, huyện Hương Khê, lúc 7h, ông Nguyễn Thành Nam, 67 tuổi, vội bước nhanh vào làng, ngồi dưới tán cây lau mồ hôi. Mới đầu giờ sáng song mặt trời gần đứng bóng, phía dưới đồng bầy trâu, bò sau vài chục phút gặm cỏ cũng tới trú nắng dưới cây duối cổ thụ tán rộng hàng chục mét gần đó.
Theo ông Nam, mùa hè nắng rát mặt đã trở thành "đặc sản" của Hương Khê nói riêng và cả tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Kiểu thời tiết khắc nghiệt này được mô tả trong nhiều tác phẩm thơ ca nhạc họa, như Nơi ấy quê mình của nhạc sĩ Mạnh Chiến có câu "Quê tôi nắng đỏ đồng, mưa thâm cả bùn non" được nhiều người ghi nhớ.
Ông Nguyễn Văn Hưởng (Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia) cho biết, Tương Dương, Hương Khê và TP Đông Hà là ba huyện thị nắng nóng gay gắt nhất cả nước. Thống kê cho thấy nhiệt độ cao nhất tại Hương Khê ngày 20/4/2019 lên 43,4 độ C - ngưỡng cao nhất trong lịch sử đo đạc của ngành khí tượng thủy văn.
Tờ The Washington Post của Mỹ hôm 22/4/2019 viết về kỷ lục nóng ở Hương Khê: "Đây là mức nhiệt cao nhất mọi thời đại ghi nhận tại Việt Nam, nằm trong một loạt kỷ lục bị phá vỡ trên thế giới trong bối cảnh nhiệt độ Trái đất không ngừng tăng". Tờ báo phân tích, 43,4 độ C đủ làm mềm bút sáp màu, tan chảy chocolate, đẩy nhiệt độ trong chiếc ôtô đậu ngoài trời vượt quá 60 độ C.
Ngoài Hương Khê, huyện Tương Dương và TP Đông Hà cũng đặc biệt nóng. Dưới đây là 5 giá trị nhiệt độ cao nhất tại ba huyện thị tính từ năm 1990 đến 2021, do Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận.
Tương Dương | Thời gian | Hương Khê | Thời gian | Đông Hà | Thời gian |
41,2 | 7/1998 | 40,9 | 8/1998 | 41,4 | 5/1992 |
42,2 | 4/2007 | 40,8 | 4/2001 | 41,7 | 4/2015 |
41 | 4/2014 | 40,2 | 7/2007 | 42 | 5/2015 |
41,7 | 4/2015 | 41 | 3/2014 | 41,5 | 4/2016 |
41,7 | 4/2019 | 43,4 | 4/2019 | 41 | 4/2019 |
Ông Nguyễn Văn Hưởng lý giải, các điểm nắng nóng nhất cả nước đều nằm ở vùng núi phía Tây miền Trung, nơi chịu tác động của vùng thấp nóng phía Tây và hiệu hứng gió phơn. Thường những đợt nắng nóng gay gắt (35-37 độ C) và đặc biệt gay gắt (trên 37 độ C) ở miền Trung đều có sự góp mặt của tổ hợp thấp nóng và gió phơn.
Gió phơn hay gió Tây, Tây Nam, gió Lào, hình thành từ vịnh Thái Lan, di chuyển theo hướng Tây Nam - Đông Bắc qua Campuchia và Lào. Khi tiếp cận dãy núi Trường Sơn, gió tăng tốc vượt qua và tràn xuống vùng Bắc và Trung Trung Bộ. Gió thường xuất hiện từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 9, thổi lúc hơn 8h đến chiều tối, mạnh nhất là gần giữa trưa đến xế chiều.
"Gió khô và nóng, làm cho khí hậu các vùng nói trên trở nên khắc nghiệt. Độ ẩm có khi xuống 30% trong khi nhiệt độ lên 43 độ C", ông Hưởng nói.
Còn ông Tăng Văn An, Trưởng phòng Dự báo khí tượng thủy văn, Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ, cho biết nắng nóng ở Nghệ An và Hà Tĩnh chia làm hai loại, là gió phơn và quá trình nắng không có sự đóng góp gió phơn. Ngoài ra, Tương Dương có nhiều núi đá vôi, tạo ra bức xạ khiến nền nhiệt cao. Hương Khê đất cát nhiều, cây xanh ít cũng khiến khí hậu trở nên oi bức.
Ngoài huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An còn có một huyện cũng xuất hiện nắng nóng gay gắt là Con Cuông. Ngày 20/5/2019, Con Cuông nóng tới 42,8, cao hơn số liệu lịch sử ngày 30/5/2015 là 42,5 độ C. Đây là mức nhiệt đo trong lều khí tượng cao 2 m, có mái che. Thực tế nhiệt độ ngoài trời sẽ cao hơn 2-3 độ, thậm chí 4-5 độ C tùy khu vực.
Không chỉ nhiệt độ cao nhất cả nước, số ngày nắng nóng trong năm ở các khu vực trên cũng nhiều. Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ thống kê năm nhiều Bắc Trung Bộ có hơn 100 ngày, năm ít trên dưới 50 ngày. Nắng nóng tăng dần từ tháng 4 đến tháng 6, 7, giảm dần vào tháng 9. Các tháng 4, 5, 8 có số ngày nắng nóng tương đương nhau khoảng 10-12 ngày; tháng 6, 7 có 16 ngày.
Trong ba nơi, TP Đông Hà có số ngày nắng nhiều nhất năm. Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Trị thống kê năm 1992 thành phố nóng tới 112 ngày, trong khi trung bình số ngày nóng từ năm 1990 đến nay là 71 ngày mỗi năm. Nhiệt độ cao nhất ngày 24/4/1980 là 42,1 độ C. Từ năm 1990 đến nay, 10 giá trị nhiệt độ cao nhất trong ngưỡng 41 đến 42 độ C rơi vào các năm 1992, 2015, 2016, 2019.
Những đợt nắng nóng kéo dài, gió thổi đều đều như quạt lửa làm cho cây cỏ héo khô, mực nước sông, suối xuống thấp, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, nước ở các hồ chứa cạn kiệt, con người và gia súc ngột ngạt, gia tăng cháy rừng. Nhưng cũng có mặt tích cực, tại một số vùng sơn cước, khí hậu ngày nắng, đêm se lạnh phù hợp để trồng một số loại cây ăn quả đặc sản. Ngoài ra, nắng cũng là một tài nguyên, nhiều quốc gia đã nghiên cứu để làm năng lượng, phát triển kinh tế.
Với người miền Trung, các đợt nắng nóng kéo dài đã quá quen thuộc và luôn có nhiều phương án để thích ứng. Tuy nhiên, việc "giữ nắng" để phát triển kinh tế đến nay vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Đức Hùng - Nguyễn Hải - Hoàng Táo
0 nhận xét:
Post a Comment