Với nhu cầu sử dụng đất 643 ha, ảnh hưởng hơn 3.800 hộ dân, giải phóng mặt bằng là áp lực rất lớn để Vành đai 3 khởi công giữa năm sau, theo Chủ tịch UBND TP HCM.
"Vành đai 3 đi qua vùng đô thị, mật độ cư dân dày đặc, chưa kể còn trải dài ở 4 địa phương nên giải phóng mặt bằng là thách thức rất lớn. Nếu không chuẩn bị kỹ sẽ ảnh hưởng tiến độ triển khai", Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói tại Hội nghị triển khai đầu tư xây dựng dự án Vành đai 3, chiều 15/7.
Vành đai 3 đi qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Giai đoạn một, tuyến được đầu tư dài hơn 76 km, kinh phí hơn 75.300 tỷ đồng, chia 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện hai dự án gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng. Giai đoạn này, tuyến được làm 4 làn, hai bên xây đường song hành nhưng không liên tục mà bố trí qua đô thị, khu dân cư có nhu cầu kết nối giao thông, kinh tế...
Theo ông Mãi, ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, TP HCM cùng các tỉnh đã làm việc và thống nhất quy chế triển khai, với các mốc thời gian cụ thể. Hiện, dự án được lên kế hoạch khởi công giữa năm 2023, hoàn thành năm 2026. "Thời gian chỉ có ba năm, nhưng khối lượng công việc rất lớn nên các bước triển khai phải rất khẩn trương", ông Mãi nói.
Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết địa phương đã lập các ban chỉ đạo, tổ giúp việc cho dự án thành phần trên địa bàn, để giải quyết nhanh các vướng mắc phát sinh khi triển khai. Thành phố cũng lập Hội đồng cố vấn dự án, với nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực quy hoạch, giao thông, đô thị, pháp lý... nhằm nhận góp ý, phản biện cũng như đề xuất giải pháp tối ưu trong quá trình triển khai.
Đánh giá việc bồi thường, tái định cư "có tính quyết định" để dự án đúng tiến độ, ông Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, nói vấn đề đầu tiên là việc giao ranh giải phóng mặt bằng cần xong cuối tháng 9. Đồng thời, công tác tái định cư thay vì thực hiện sau khi có quyết định thu hồi đất và chi trả bồi thường như quy định, cần triển khai trước, giúp dự án rút ngắn 4-6 tháng.
"Ngoài ra, vướng mắc khác là đoạn Vành đai 3 đi qua thành phố sẽ có 32 đồ án quy hoạch phải điều chỉnh, cần hoàn thành trước 30/9 để đồng bộ kế hoạch triển khai", ông Trực nói.
Ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, cũng nói giải phóng mặt bằng là yếu tố chiếm hơn 50% khả năng thành công của Vành đai 3. Để đẩy nhanh đầu việc này, ông cho rằng trong lúc chưa có nhà thầu tư vấn, thành phố có thể tham khảo từ nghiên cứu tiền khả thi để tạm thời duyệt ranh giải phóng mặt bằng. Điều này để đảm bảo tính pháp lý, giúp các địa phương và chủ đầu tư giao ranh, cắm mốc, cũng là cơ sở để xác định kỹ hơn các phương án tổ chức giao thông, nút giao...
Cũng theo ông Đức, TP HCM nên điều tra thêm về phạm vi ảnh hưởng cùa dự án để các quận huyện chủ động bố trí tái định cư cho người dân, sớm tạo đồng thuận, hoặc có thể tính toán để chủ đầu tư ứng vốn trước bố trí xây dựng tái định cư... "Thành phố nên lập ban chỉ đạo bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án này, trong đó nên có các thành viên thuộc cơ quan phụ trách điện, nước... để phối hợp đồng bộ", ông Đức nói.
Vành đai 3 TP HCM là dự án giao thông liên kết vùng lớn nhất miền nam từ trước đến nay. Đây được xem là tuyến đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh thành dự án đi qua mà tác động cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Gia Minh
0 nhận xét:
Post a Comment