Quảng BìnhThấy đầm phá Hạc Hải ngập nước quanh năm và bị bỏ hoang phí, nhiều người ra đây ngụp lặn be bờ đắp đê, cải tạo thành ruộng lúa, vuông tôm.
Những ngày cuối tháng 5, cánh đồng lúa trải dài ở vùng đầm phá Hạc Hải dần chuyển xanh sang vàng, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Phá Hạc Hải rộng 12 km2, thuộc hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, là vùng ngập nước sâu khoảng 1,5 đến 3 m. Uốn lượn giữa vùng đầm phá rộng lớn là sông Kiến Giang hiền hòa.

Người dân hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh dày công đắp đê, biến vùng đầm nước thành hàng nghìn ha ruộng lúa. Ảnh: Hoàng Táo
Dẫn khách ra thăm ruộng lúa, anh Nguyễn Công Xuân (49 tuổi, trú xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy) giới thiệu cánh đồng ở đây bao quanh bởi đầm nước Hạc Hải, muốn tiếp cận phải đi thuyền.
20 năm trước, phá Hạc Hải hoang hóa, chỉ số ít hộ dân hành nghề khai thác thủy sản ở đây. Khoảng năm 2000, anh Xuân cùng vợ ra đây lập trại nuôi vịt. Anh Xuân nhập về 1.000 con vịt bầu ở TP Đà Nẵng để nuôi lấy trứng. "Ban đầu, ai cũng cười vì họ nói vịt không đẻ được ở vùng đất này", anh Xuân nhớ lại.
Thế nhưng đàn vịt đẻ mỗi đêm 700 đến 800 trứng. Để có thêm thức ăn cho vịt, anh Xuân thử nghiệm trồng giống lúa ở vùng ngập nước. Đây là giống lúa năng suất thấp nhưng chịu được nước lợ, hạt gạo màu đỏ. Khi cây lúa trổ bông kết hạt, anh lùa vịt ra giữa đồng cho vịt ăn luôn hạt lúa.
Thấy cây lúa sinh trưởng được ở vùng đất này, anh nảy sinh ý tưởng biến vùng đầm phá ngập nước thành ruộng lúa. Ngụp lặn dưới bùn lút đầu người, anh Xuân dùng thuổng múc từng gàu bùn đắp thành con đê. "Mình bồng từng cục bùn thật to đưa lên bờ, chờ khô thành con đê rồi đắp tiếp, không biết bao nhiêu công sức", anh Xuân kể.
Một mình không đủ sức, anh thuê thêm nhân công, trả mỗi mét đê 20.000 đồng. Khi đất có đủ độ chắc chắn, liên kết, anh Xuân trồng cỏ để con đê thêm vững chãi. Việc đắp đê kéo dài tháng này qua tháng khác suốt mùa hè, trong 4 năm liền thì con đê đủ chắc chắn. Năm nào đê cũng phải bồi đắp nhưng khoảng 15 năm trở lại, máy xúc đưa ra tận ruộng nên sức người dần được giải phóng.

Ruộng lúa kết hợp nuôi tôm của anh Nguyễn Công Xuân. Ảnh: Hoàng Táo
Từ năm 2003, có được hệ thống đê bao, anh Xuân thay đổi từ giống lúa cho vịt sang lúa cho người ăn, năng suất đạt 65-70 tạ mỗi ha. Ruộng lúa ở đây mỗi năm cho hai vụ thu hoạch, gồm vụ chính đông xuân kéo dài hơn ba tháng, và vụ hè thu là cây lúa tự tái sinh trên gốc rạ của vụ cũ, kéo dài hai tháng. Từ tháng 9 năm này đến tháng 1 năm sau, toàn bộ phá Hạc Hải lại ngập nước mênh mông, trắng xóa. Nước lũ đưa phù sa, tôm cá về lại các chân ruộng.
"Khi mới làm xã phạt vì tự ý khoanh đắp, nhưng sau 2-3 năm, tôi lại được thưởng, ưu tiên mô hình nuôi cá, khuyến khích thủy lợi phí", anh Xuân nói và cho biết gia đình khai hoang được 6,5 ha đầm phá, trong đó 5 ha ruộng lúa, 1,5 ha nuôi tôm cá. Chạy phía trong các ô ruộng là hào sâu hình thành do múc bùn đắp đê, được anh Xuân thả thêm cá tôm. Ruộng vừa trồng lúa, vừa thả thủy sản, cho thu nhập cao hơn ruộng thông thường, lãi 50 đến 60 triệu đồng mỗi ha.
Tuy vậy, cũng không ít năm lũ về đột ngột vượt đê bao, tràn vào ruộng lúa xua đi hết cá tôm. "Làm ruộng ở vùng này thì phải thua không chán, bại không nản, rút kinh nghiệm thất bại để mạnh dạn đầu tư mới thành công", anh Xuân đúc kết.
Anh Nguyễn Ngọc Ánh (44 tuổi, trú xã Hồng Thủy, Lệ Thủy) cũng là một trong những người tiên phong ra phá Hạc Hải khai hoang, từ nuôi vịt rồi dần đắp đê làm ruộng lúa. "Đắp một cồn vuông nhỏ hết 6 chỉ vàng, tiền đắp đê như núi", anh Ánh nói.
Anh và các nhân công lặn xuống quá đầu người, dùng thuổng múc lên từng cục bùn đắp thành đê. Năm nào cũng gia cố để bù vào phần đê bị xói mòn do lũ lụt. Nhờ không nản chí, anh và một số người thân hiện có 15 ha lúa tôm ở vùng này.

Máy xúc gia cố đê bao quanh ruộng lúa anh Nguyễn Ngọc Ánh. Ảnh: Hoàng Táo
Đầu vụ đông xuân này, ngoài trồng lúa, anh Ánh còn thả thêm 250.000 con tôm càng xanh, cùng cá lóc, gáy, mè, rô phi... trong các chân ruộng. "Vụ năm nay không may mắn, lụt bất thường đầu tháng 4 tràn vào ruộng, kéo sạch cá tôm đi rồi", anh Ánh thở dài.
Học theo mô hình của anh Xuân và anh Ánh, hàng trăm hộ dân các xã quanh phá Hạc Hải như Hoa Thủy, An Thủy, Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy) và Gia Ninh, Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh) ra vùng này đắp đê, biến đầm hoang thành ruộng lúa, vuông tôm. Con đê của hộ này nối tiếp hộ kia, kéo dài ven theo hai bờ sông Kiến Giang để phần lớn phá Hạc Hải trở thành ruộng lúa.
Ông Võ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy, cho hay xã có 82 hộ dân khai hoang được 171 ha lúa ở phá Hạc Hải. "Bà con bỏ chi phí rất lớn để biến vùng ngập nước thành ruộng màu kết hợp nuôi cá tôm. Việc này vừa tăng thu nhập cho người dân, vừa góp phần cải thiện kinh tế của xã", ông Hòa nói.
Chủ tịch xã Hoa Thủy cũng cho hay, vùng đất này ngập nước, mưa lũ thất thường nên cũng có năm bà con trắng tay. "Phải ý chí lắm mới trụ lại được ngoài phá", ông Hòa bộc bạch.
Hiện, để tạo thu nhập bền vững cho người dân, tỉnh Quảng Bình đang kêu gọi đầu tư khu du lịch đầm phá Hạc Hải, biến nơi đây thành khu du lịch sinh thái vùng đầm phá, cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí kết hợp tìm hiểu đời sống, làm quen cách thức trồng lúa, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản vùng sông nước.
0 nhận xét:
Post a Comment