Quảng NamÔng Trần Đình Thái, 68 tuổi là đời thứ năm gìn giữ nghề rèn ở làng Hồng Lư, kiếm tiền nuôi ba con học đại học.
Ông Thái (phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ) thường thức dậy sớm, ăn sáng rồi bắt đầu ngày làm việc bên bếp than đỏ rực ở lò rèn. Đôi tay chai sạn của người thợ rèn thoăn thoắt bỏ những đoạn thép đã được máy cắt sẵn, dài 30 cm, rộng khoảng 5 cm vào lò. Để trong nhiệt độ cao khoảng 10 phút, ông cầm kìm đảo qua lại, để chúng đỏ đều.
Thép "chín", ông lau vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, rồi gấp gáp gắp chúng ra ngoài. Một tay cầm kìm giữ chặt trên đe, tay kia dùng búa đập. Cứ như vậy, sau vài phút, miếng thép đã thành hình chiếc cuốc dài tầm 15cm, rộng hơn 5 cm. Chúng tiếp tục được nung qua lửa và rèn nhiều lần trước khi đưa vào máy mài giũa cho sắc bén để bán ra thị trường.

Ông Trần Đình Thái đang đảo lửa đốt nóng thép. Ảnh: Đắc Thành
Sinh ra trong gia đình làm nghề rèn thủ công nên 15 tuổi ông Thái đã được cha truyền dạy. Lớn lên, ông tiếp quản và giữ lửa lò rèn đến ngày hôm nay. Ông nhớ, lúc mới vào nghề chỉ được đốt lò, quạt lửa, sau vài năm quen việc và có kinh nghiệm mới được giao rèn.
Người làm công việc này đòi hỏi có sức khỏe và độ bền, vì công việc nặng nhọc, phải bắt đầu từ sáng sớm. Để làm ra một sản phẩm, người thợ phải thực hiện rất nhiều công đoạn, từ cắt sắt thép tạo hình, nung, đập, nhúng nước, rồi lại nung, đập cho tới khi định hình được sản phẩm, mài cho sắc...
"Nghề rèn trong làng cơ bản có công đoạn giống nhau, nhưng mỗi gia đình lại có bí quyết riêng để sản phẩm làm ra tốt, bền", ông nói, cho biết, hơn 50 năm gắn bó với nghề rèn giúp ông quen với sức nóng phừng phực từ lò lửa và tiếng ồn của đập đe, búa, tiếng mài, khói bụi.
Chừng ấy năm kinh nghiệm cũng giúp ông chỉ nhìn qua độ hồng của sắt thép nung trên ngọn lửa là biết thép đã "chín" vừa hay chưa, vì chỉ cần "non", hay "già" một chút là sản phẩm sẽ không tốt. Theo ông, các loại thép có độ hồng khác nhau, nên người thợ phải có con mắt tinh tường, có "năng khiếu nghề nghiệp".

Thép được núng chín được ông Thái dùng kìm đưa ra rèn. Ảnh: Đắc Thành
Hơn 10 năm trước, ngoài lò rèn ông Thái, làng Hồng Lư có hơn 35 lò rèn khác. Song khi các vật dụng dao rựa, đồ nông cụ từ nước ngoài và các tỉnh miền Bắc tràn, làng rèn hoạt động cầm chừng vì sản phẩm không tiêu thụ được do giá cao. Nhiều lò trong làng phải "tắt lửa" hoặc chuyển đổi nghề.
Riêng ông Thái đã đến nhiều tỉnh miền Trung, miền Bắc tìm hiểu cách làm sản phẩm tốt mà giá thành rẻ. Những chuyến đi thực tế giúp ông nhận ra "phải thay đổi cách sản xuất để bắt kịp thời cuộc". Ông đầu tư máy móc và áp dụng công nghệ sản xuất để giảm công lao động, tăng số lượng sản phẩm. Từ đó, giá thành sản phẩm đã giảm xuống.
Mỗi lúc đỏ lửa, ông cũng tranh thủ sản xuất hàng loạt, tiết kiệm nguồn than đốt nhằm giảm chi phí sản xuất. Người thợ rèn còn vay vốn, làm nhiều sản phẩm cất giữ trong kho, để khi vào mùa vụ, người nông dân tiêu thụ mạnh thì có sẵn hàng hóa bán. Ngoài ra, vợ ông cũng mở một gian hàng ở chợ Tam Kỳ để tiêu thụ sản phẩm và xuất hàng đi nhiều nơi.
"Trong hoàn cảnh mới, lò rèn của tôi vẫn tồn tại. Hàng hóa sản xuất ra theo lối truyền thống nên nhiều người ưa thích vì độ bền, sắc bén. Chừng nào nghề nông còn tồn tại thì chừng đó vẫn sẽ cần đến sản phẩm của làng Hồng Lư", ông quả quyết.

Ông Thái và thợ phụ đập thép rèn thành chiếc cuốc. Ảnh: Đắc Thành
Mỗi ngày đỏ lửa nghề rèn, ông Thái thu nhập khoảng 500.000 đồng; thợ phụ 300.000 đồng. Mức thu nhập này theo ông không cao nhưng vẫn sống được với nghề, giúp ông nuôi ba người con học đại học. Dù các con không theo nghề, song ông Thái vẫn vui vì hai người em trai vẫn cùng ông giữ nghề cha ông truyền lại.
Làng rèn Hồng Lư có lịch sử hàng trăm năm trước, với các sản phẩm dao, rựa, đồ nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trước Cách mạng tháng 8/1945, người dân Hồng Lư tham gia sản xuất các loại vũ khí như chông, mác, giáo, cung tên, dao, rựa... phục vụ kháng chiến và được Hội đồng Chính phủ lúc bấy giờ tặng bằng khen vì góp phần vào thắng lợi của cách mạng. Từ đó, danh tiếng của làng rèn Hồng Lư vang đi khắp nơi. Hàng hóa làm ra không chỉ bán tại địa phương còn xuất đi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Lào.
Các công đoạn rèn một chiếc cuốc. Video: Đắc Thành
0 nhận xét:
Post a Comment