Chống ngập cho TP Hồ Chí Minh: Bao nhiêu tiền mới đủ? - TIN HOT TRONG NGÀY
latest Post

Chống ngập cho TP Hồ Chí Minh: Bao nhiêu tiền mới đủ?

Thứ Sáu, ngày 19/06/2020 16:00 PM (GMT+7)

TP Hồ Chí Minh được đánh giá là một trong 10 thành phố có nguy cơ ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu cao nhất thế giới và dự báo khả năng kiểm soát ngập 100% là không thể thực hiện, chỉ có thể khống chế với chiến lược quản lý bền vững.

Và, trong 5 năm qua, dù thành phố đã chi gần 26.000 tỷ đồng phục vụ công tác chống ngập nhưng tình trạng ngập nước ở nhiều nơi vẫn tái diễn theo kiểu “cứ mưa là ngập, có thêm triều cường càng ngập nặng hơn”...

Chống ngập cho TP Hồ Chí Minh: Bao nhiêu tiền mới đủ? - 1

Chống ngập cho TP Hồ Chí Minh: Bao nhiêu tiền mới đủ? - 2

Hình ảnh ngập khá nặng tại đường Nguyễn Văn Khối, quận Gò Vấp sau cơn mưa lớn trưa 10-6.

Cứ mưa là đường phố thành sông

Cơn mưa như trút vào trưa 10-6 tại TP Hồ Chí Minh đã làm nhiều tuyến đường bị ngập khá nặng. Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng loạt tuyến đường như Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), Nguyễn Văn Quá (quận 12),... mênh mông nước.

Trong đó, tại đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), đoạn ngập kéo dài khoảng 500m, nhiều xe máy chết máy khiến người dân phải dẫn bộ hoặc đẩy xe trong dòng nước. Nhiều người đi đến đoạn này nhìn cảnh đường phố như sông đành phải dừng lại bên đường đợi nước rút hết mới dám đi. Tại đường Võ Văn Ngân hướng từ đường Đặng Văn Bi về chợ Thủ Đức, lượng mưa lớn đổ xuống cộng thêm đoạn đường có độ dốc làm cho nước chảy xiết, người đi đường qua đây gặp nhiều khó khăn...

Khu vực quận 9 gần chợ Tăng Nhơn Phú 2, mưa lớn khiến rác từ các hẻm trôi ra, bịt xuống các nắp cống. Thậm chí các thùng rác bằng xốp cũng bị nước cuốn trôi ra giữa đường.

Tại đường Nguyễn Văn Khối, quận Gò Vấp, cơn mưa lớn đã khiến mặt đường “bỗng thành sông”. Đoạn đường bị ngập dài gần 1km, có đoạn ngập sâu hơn nửa bánh xe, nhiều xe máy qua đây bị chết máy phải dẫn bộ. Còn đoạn công viên Làng hoa thuộc phường 8, quận Gò Vấp, nước cũng ngập sâu hơn 0,5m. Cả đoạn vỉa hè dài khoảng 100m bị nước nhấn chìm khiến các phương tiện qua đây gặp khó khăn...

Chống ngập cho TP Hồ Chí Minh: Bao nhiêu tiền mới đủ? - 3

PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh.

Trước đó một ngày, cơn mưa kéo dài khoảng 40 phút xảy ra vào tối 9-6 cũng khiến nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh ngập như sông, người dân bì bõm lội bộ vì xe hư hỏng, chết máy.

Theo ghi nhận, từ khoảng 7 giờ tối 9-6, một số khu vực như quận 2, Bình Thạnh, Thủ Đức..., cơn mưa bắt đầu và càng lúc càng nặng hạt. Trên hàng loạt tuyến đường như Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), nhiều đoạn ngập cục bộ, tình hình giao thông trở nên ùn tắc, hàng ngàn người theo đó cứ phải bì bõm trong dòng nước, nhích từng chút một trên đường phố “ngập như sông” để mong sớm về nhà. Trong đó, đường Ung Văn Khiêm ngập kéo dài khoảng 1km, nhiều đoạn ngập sâu gần 0,5m khiến đường hóa thành sông.

Vừa ghìm tay ga, anh Bùi Năm (ngụ quận Bình Thạnh) vừa chia sẻ: “Tình cảnh này ở đường Ung Văn Khiêm là chuyện quá quen thuộc rồi. Cứ mưa là ngập. Chúng tôi coi như là chuyện bình thường, chỉ có điều chạy xe máy trên “sông” như này sợ nhất là chuyện lọt ống cống, hố ga... nên luôn phải để ý kỹ”. Trong khi đó, các cửa hàng kinh doanh, ăn uống hai bên đường Ung Văn Khiêm cũng bị ảnh hưởng chuyện làm ăn khi nước tràn cả vào quán...

Cũng do ảnh hưởng của cơn mưa lớn này, các tuyến đường như Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá ở quận 12... bị ngập sâu và dĩ nhiên tình cảnh của người đi đường gặp phải cũng tương tự.

Trước đó mấy ngày, cơn mưa chiều 4-6 cũng khiến hàng loạt tuyến đường tại quận Thủ Đức như Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân, Hiệp Bình..., rơi vào tình trạng “ngập mênh mông”. Đáng nói trên các tuyến đường này có nhiều đoạn dốc, nước ngập cuồn cuộn chảy xiết, khiến một số người điều khiển xe máy bị té ngã. Nước ngập cũng tràn lênh láng vào nhà người dân xung quanh..., người dân phải chật vật chèn bao cát, phủ bạt ngăn bớt dòng nước tràn vào nhà. Trong khi đó, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), nhiều đoạn cũng ngập đến nửa mét, nhiều xe chết máy...

Chống ngập cho TP Hồ Chí Minh: Bao nhiêu tiền mới đủ? - 4

Ông Vũ Văn Điệp cung cấp thông tin về tình hình chống ngập.

Có thể nói, đường phố ngập sâu, xe chết máy bì bõm trong dòng nước, cứ hễ mưa là ngập nặng kẹt xe kéo dài... là cảnh tượng dễ thấy trên nhiều cung đường tại TP Hồ Chí Minh những ngày qua sau vài trận mưa lớn đầu mùa. Lý giải cho thực trạng này, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (QLHTKT) Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, cho biết (tại cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình mưa, triều cường, ngập nước trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay cho báo chí vào sáng 9-6) tình trạng ngập như vậy ngoài chuyện do mưa lớn thì còn nguyên nhân khác như do quá trình đô thị hóa, bê tông hóa thiếu kiểm soát cùng với hệ thống cống thoát nước hiện hữu được xây dựng từ lâu với năng lực thiết kế không thể đáp ứng năng lực thoát nước tại thời điểm hiện nay.

Ý kiến này của ông Vũ Văn Điệp trùng với ý kiến của PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận tình trạng ngập nước tại thành phố nguyên nhân chính do cơ chế đô thị hóa không bền. Điển hình là sự ồ ạt của quá trình “bê tông hóa”, không tôn trọng quy luật tự nhiên, quy luật của hệ thống thoát nước. Từ hàng chục năm qua, PGS.TS Hồ Long Phi đánh giá việc đô thị hóa luôn đi trước, còn hệ thống thoát nước lại bao cấp và phải chạy theo để đối phó. 

Theo PGS.TS Hồ Long Phi, đáng lẽ đô thị hóa tới đâu, hệ thống thoát nước phải đi tới đó, có gắn trách nhiệm của nhà đầu tư hoặc tính thành tiền để họ chi trả. Nhưng hiện nay ở các dự án, công trình, nhà đầu tư không hề bị ràng buộc trách nhiệm chi trả những chi phí kèm theo, có tác động và tạo gánh nặng cho xã hội như tình trạng ngập nước...

25.998 tỷ đồng chống ngập giai đoạn 2016-2020 vẫn chưa xong

Theo ông Vũ Văn Điệp, ý thức của người dân cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác chống ngập của thành phố. Người dân vứt rác bừa bãi, trôi xuống gây tắc hố ga thoát nước, nghẽn dòng kênh, rạch. Nhiều hộ kinh doanh bịt chắn toàn bộ hố ga thoát nước khiến hệ thống thoát nước không thu được nước mưa, gây ngập. Đặc biệt, hệ thống kênh rạch có vị trí xung yếu thoát nước nhưng bị lấn chiếm nhiều, dòng chảy bị thu hẹp nghiêm trọng.

Đơn cử như tại các khu vực kênh Xáng (quận 8), khu vực bán đảo Thanh Đa thuộc các phường 26, 27, 28 (quận Bình Thạnh)... có hàng trăm căn hộ được xây dựng bằng cách lấn chiếm sông dẫn đến ngập nước và sạt lở thường xuyên. Tuyến kênh A41 ở quận Tân Bình dùng để thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng bị lấn chiếm trên diện rộng khiến lòng kênh tắc nghẽn...

Theo thống kê của Trung tâm QLHTKT, thành phố có 67 vị trí lấn chiếm sông, kênh rạch, vừa qua đã xử lý 34 vị trí, còn lại 33 vị trí. Trung tâm QLHTKT đã kiểm tra, thống kê từng vị trí và có văn bản gửi các quận, huyện, phường để địa phương hỗ trợ giải tỏa các vị trí lấn chiếm này. Việc xử lý các vị trí này rất khó khăn, nhất là bị vướng về bồi thường giải phóng mặt bằng, nên tiến độ giải quyết các điểm lấn chiếm này rất chậm, gây ảnh hưởng đến hiệu quả thoát nước. 

Tuy nhiên, cũng có thể thấy, trong 5 năm qua, số tiền thành phố chi ra cho công tác chống ngập nói chung là rất “khủng”. Nhưng thực tế có vẻ cứ mưa là ngập vẫn diễn ra như một chuyện “đương nhiên”?

Chống ngập cho TP Hồ Chí Minh: Bao nhiêu tiền mới đủ? - 5

Nước ngập mênh mông trên đường Tô Ngọc Vân, quận Thủ Đức. Ảnh: Gia Minh.

Điển hình nhất là con đường Nguyễn Hữu Cảnh 18 năm qua chưa bao giờ hết ngập, cứ mưa xuống là ngập. Để xử lý dứt điểm tình trạng ngập, năm 2019 TP Hồ Chí Minh đã chi 472,9 tỷ đồng tiền ngân sách để nâng cấp tuyến đường này. Dự án được triển khai từ tháng 10-2019, dự kiến hoàn thành cuối năm 2020 nhưng lại bị chậm tiến độ nên chủ đầu tư lùi thời gian hoàn thành vào tháng 4-2021.

Đại diện lãnh đạo Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án), khẳng định khi cải tạo, nâng cấp xong thì đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ hết ngập. Bởi với 2 cửa xả ra kênh Văn Thánh (không bị tác động bởi triều cường) sẽ thoát nước tốt.

Tuy nhiên, có một thực tế, hệ quả khi cải tạo nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ làm nhà dân thấp hơn mặt đường. Bởi theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, sau khi dự án hoàn thành sẽ có 63 hộ dân có nhà thấp hơn đường 15cm, 68 hộ dân có nhà thấp hơn mặt đường từ 30-50cm. Chính vì thế, người dân sống hai bên đường Nguyễn Hữu Cảnh lo lắng, khi dự án hoàn thành, con đường này có thể hết ngập, nhưng “lợi bất cập hại” khi nhà của họ sẽ có nguy cơ biến thành... hầm chứa nước!?

Và nếu lo lắng của người dân là đúng thì chẳng lẽ người dân phải xây lại nhà cho cao hơn mặt đường và nước lại ngập, rồi nếu vậy thì thành phố lại phải xây đường cao hơn nhà dân... Như thế, có lẽ chuyện ngập ở đây chắc khó mà hết được! Lúc này người dân có quyền đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của việc thành phố bỏ ra gần 480 tỷ đồng như nói trên.

Có thể nói, từ nhiều năm qua, đã có nhiều dự án được thành phố đầu tư khởi công, thực hiện trên nhiều lĩnh vực như ngăn triều, thoát nước, hệ thống cống... Tuy nhiên, thực tế việc chống ngập dường như vẫn chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Thực tế trong 5 năm qua, số tiền thành phố chi ra cho công tác chống ngập nói chung là rất “khủng”, lên tới 25.998 tỷ đồng như nói trên. Và dù đã đầu tư số tiền rất “khủng” như vậy nhưng theo ông Vũ Văn Điệp, khó khăn nhất trong công tác chống ngập hiện nay của TP Hồ Chí Minh vẫn chính là nguồn lực để đầu tư cho hệ thống thoát nước, chống ngập, bởi thực tế mới chỉ đạt 25-26% so với yêu cầu. Ở đây câu hỏi đặt ra là nếu cần đủ nguồn lực theo lời ông Vũ Văn Điệp thì không biết số tiền cho công tác chống ngập của thành phố sẽ là bao nhiêu mới đủ?

Nguồn: https://ift.tt/2YdvZlC...Nguồn: https://ift.tt/3fFa64B

TP.HCM mưa gió mù mịt, ngập nước, kẹt xe khắp nơi

Cơn mưa chiều 16/6 gây ngập, ứ đọng nước ở nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM.

About Hoàng Anh

Hoàng Anh
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment