Thứ Hai, ngày 04/05/2020 13:00 PM (GMT+7)
Là tộc người thiểu số với dân số hơn ngàn người sinh sống giữa đại ngàn Trường Sơn, ẩn mình trong dãy Giăng Màn, người Mày bỗng dưng nổi tiếng khi báo chí đưa tin: “Vì sợ COVID-19, một số hộ dân rời nhà chạy vào rừng trốn dịch”. PV Tiền Phong băng rừng đến với người Mày, để biết thêm về một người anh em nhỏ bé, sinh sống nơi miền biên viễn phía Tây Quảng Bình.
Người Mày sinh sống trên đồi cao và đầu nguồn nước
Sứ mệnh người anh cả
Theo thống kê, tộc người Mày, thuộc nhóm dân tộc Chứt, hiện có khoảng 1.500 nhân khẩu, sinh sống trong dãy núi Giăng Màn, đầu các khe suối thượng nguồn sông Gianh, thuộc hai xã Dân Hóa và Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Đường vào nơi cư trú của tộc người anh em này cheo leo, hiểm trở, mây ngàn phủ mờ lối đi.
Đã sang thế kỷ XXI 20 năm nay, nhưng cuộc sống của người Mày vẫn chủ yếu chặt, đốt, cốt, trỉa và săn bắt, hái lượm. Mặc dù kinh tế còn rất khó khăn và vẫn còn một số hủ tục lạc hậu, nhưng người Mày lại có một kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo, là niềm tự hào riêng có, giúp họ tồn tại và phát triển nơi miền biên viễn xa xôi này.
Với sứ mệnh “anh cả”, người Mày luôn trong sáng và hào phóng, trách nhiệm và hết mình trong cách ứng xử với những khe nước đầu nguồn. Nước không dành riêng cho người Mày mà cho tất cả anh em khác nữa.
Theo người Mày, các đỉnh núi Tôồng Vôốc, Ku Lôông, Y Răng, Y Hơn là các vị thần lừng lẫy trong hệ Giăng Màn sừng sững. Đấy là những vị thần núi, tất cả hợp lại, tạo thành vị thần thiêng liêng cai quản cương vực vùng đồng bào Mày sinh sống, gọi là Giang Bra, thần của các vị thần. Trong nếp nhà của người anh em Mày đều thờ cúng vị thần tổ Giang Bra.Nhưng vị thần họ thường nhắc đến nhất là thần Ku Lôông. Vị thần này đã sinh ra người Mày, cho người Mày nhiều thứ để sinh tồn và giữ gìn cương thổ.
Sâu trong tâm khảm của người Mày, thần Ku Lôông sinh ra một quả trứng, quả trứng đó nở ra ba người: Người anh cả là người Mày, người em thứ là người Khùa và người em út là người Nguồn. Anh cả người Mày được thần Ku Lôông giao phó sứ mệnh bảo vệ cương vực, bảo vệ nguồn nước, tiểu trừ mãnh thú để những người em phía dưới yên ổn làm ăn, sống trong thanh bình. Vì sứ mệnh cao cả ấy, mà từ xưa đến nay người Mày luôn sống ở vùng núi cao và đầu nguồn nước.
Cuộc sống người Mày vẫn chặt, đốt, cốt, trỉa và săn, bắt, hái, lượm
Một câu chuyện kể mang tính biểu tượng vẫn được người Mày truyền tụng cho đến ngày nay. Đêu pđê (ngày xưa), người Mày và anh em khác sinh sống trong dãy Giăng Màn thường bị các tộc người ngoại bang vây đánh chiếm đất đai, cương thổ. Họ thoắt ẩn, thoắt hiện, đánh đuổi người Mày, Khùa… đi từ núi này đến suối nọ. Một hôm, thần núi Ku Lôông hiện về trong mộng, bày cho thủ lĩnh người Mày cách chống lại địch: Muốn thắng địch, phải chọn ngọn đồi độc lập giữa thung lũng, biến nó thành pháo đài để chống giặc. Thần Ku Lôông còn chỉ cho thủ lĩnh người Mày cái cây có chất độc, cách làm ná, cung tên tẩm độc, cách bẫy lao, bẫy chông ba khía, cách luyện ong rừng đánh đuổi kẻ thù…
Từ lời của thần Ku Lôông, người Mày đã tạo ra các vũ khí chiến đấu, đánh bại nhiều trận chiến xâm lấn, họ trở thành chiến binh vĩ đại của những bản làng khác và được đặc ân ở trên những ngọn đồi hùng vĩ từ đó. Ngọn đồi cao như một pháo đài bất khả xâm phạm, người Mày phóng tầm mắt có thể nhìn thấy đường đi, nước bước của quân thù để dàn trận tiễu trừ. Dã thú mò lên các quả đồi ấy đều bị cung tên của người Mày tiêu diệt.
Ðạo chia nước
Người Mày rất quý nước, nhất là nước đầu nguồn. Mày trong tiếng Mày là đầu nguồn nước. Họ ý thức rất rõ thứ tài nguyên vi diệu này với cuộc sống không chỉ với người Mày mà còn với bao người anh em ở phía giữa nguồn và cuối nguồn.
Đêu pđê, khi đánh đuổi những bộ tộc xâm lấn, các nguồn nước bị làm phép đến cạn kiệt. Cơn mưa không về, chỉ còn lại cái giếng nước vuông và cái giếng nước tròn của Ku Téc (thần đất), nơi đó cũng là nơi sinh sống của người Mày. Họ cố công bảo vệ, bao lần kẻ thua cuộc giã tâm bỏ thuốc độc nhưng không thể tiếp cận giếng nước của thần Ku Téc bởi sự thiện chiến của các chiến binh Mày. Bảo vệ được nguồn nước, người Mày cầu thần Ku Lôông cho được trời mưa, giải khỏi lời nguyền xấu, nước từ trời rơi xuống, men theo tường vách dựng đứng của hệ núi Giăng Màn tưới mát cho tất cả anh em Mày, Sách, Khùa, Rục…và cả người Kinh phía xuôi của dòng sông Gianh.
Vào dịp cuối năm, người Mày thường có lễ chia nước ngọt hứng từ mái nhà sàn hoặc lấy ở con suối đầu nguồn. Lễ chia nước cho các gia đình trong bản đều do người đức cao trọng vọng đứng ra chia. Mỗi nhà được chia một ít nước (chừng một lít) nhưng đó là cách người Mày ẩn ý về sự quan trọng của nước, sự chia sẽ tài nguyên thiên nhiên để bảo tồn cuộc sống.Có nước, người Mày và những người anh em phía hạ du mới có thể tồn tại.
Theo người Mày, dòng nước sinh ra ở các ngọn nguồn từ trời và núi. Nước uyển chuyển và dẻo dai, nước hùng mạnh và tợn bạo; nước sinh ra các giống loài tôm cá, cho mùa vụ tốt tươi… Với sứ mệnh “anh cả”, người Mày luôn trong sáng và hào phóng, trách nhiệm và hết mình trong cách ứng xử với những khe nước đầu nguồn. Nước không dành riêng cho người Mày mà cho tất cả anh em khác nữa.Hiểu nước mới bảo vệ được nguồn nước là triết lí bao đời của người Mày.
Người Mày ở bản Lòm kể lại đầy tự hào rằng, tổ tiên họ sinh ra ở Lòm. Cho đến nay con cháu họ vẫn ở đây, không đi đâu cả. Họ có bài vè Pa eo nói về “Bản Lòm ta giàu có” và “Tôi không đi đâu hết” truyền lại cho con cháu đầy tự hào. “Núi rừng bản Lòm ta/ Giàu có và ấm no/ Có song bột, trầm hương/ Quê hương mình giàu có/ Giặc đến cùng nhau đánh/ Cho đến chết mới thôi/ Còn một người cũng đánh/ Đánh hết giặc mới thôi...”
Nguồn: https://ift.tt/3c1Ks8BNguồn: https://ift.tt/3c1Ks8B
Sau khi xem ti vi, thấy cảnh chết chóc ở nhiều nước trên thế giới vì dịch Covid-19, có 20 người dân tộc Mày sống ở vùng...
0 nhận xét:
Post a Comment