latest Post

Người Công giáo hái lộc thánh đầu năm

Cuối lễ cầu bình an cho năm mới, người Công giáo xếp hàng lên hái lộc thánh - câu kinh thánh được đặt trên khay hoặc treo lên cây.

Rạng sáng mùng 1 Tết, bà Maria Phan Thị Loan, 56 tuổi, thức dậy sửa soạn áo dài đến nhà thờ cầu bình an cho năm mới. Thánh lễ với khoảng 800 người tham dự tại nhà thờ Chính Trạch (68 Hoàng Hoa Thám, TP Đà Nẵng) mở đầu bằng một hồi chiêng trống. Chuông nhà thờ cũng được kéo một hồi dài. Giáo dân cùng hát thánh ca và nghiêm trang dự lễ.

Giáo dân đến nhà thờ tham dự thánh lễ cầu bình an cho năm mới. Ảnh: Nguyễn Đông.

Giáo dân đến nhà thờ tham dự thánh lễ cầu bình an cho năm mới. Ảnh: Nguyễn Đông.

Thánh lễ đầu năm mới được Giáo hội Công giáo Việt Nam cử hành ở tất cả nhà thờ. Gần cuối buổi lễ, linh mục sẽ làm phép lộc - là những câu kinh thánh được in màu cỡ nhỏ, cuộn lại đặt trên cung thánh.

Sau khi rảy nước thánh, linh mục chọn một câu kinh thánh. Sau đó giáo dân xếp thành hai hàng, trật tự tiến lên cung thánh nhận lộc. Ngoài lộc thánh, giáo dân cũng được nhận một tấm thiệp chúc mừng năm mới của Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân - Giám mục Giáo phận Đà Nẵng. Mỗi gia đình cử một đại diện lên nhận lộc thánh, tuyệt đối không có cảnh chen lấn hay giành giật.

Nhận lộc thánh sau cùng, bà Loan lán lại gặp vài người quen chúc Tết, khoe câu kinh thánh "Thương xót kẻ khó nghèo là cho Đức Chúa vay mượn, Người sẽ đáp trả lại xứng việc anh em đã làm" vừa hái được. Về tới nhà, bà cẩn thận lồng lộc thánh vào khung gỗ, đặt lên bàn thờ ngay phòng khách để có thể đọc hàng ngày.

Là hàng xóm với bà Loan, chị Maria Nguyễn Thị Lan lên hái lộc và nhận câu kinh thánh "Anh em đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán". "Năm mới tôi sẽ cố gắng sống theo lời Chúa trong lộc thánh để có được bình an thực sự cho tâm hồn", chị nói.

Các tín hữu xếp hàng trật tự lên nhận lộc thánh và thiệp chúc mừng năm mới. Ảnh: Nguyễn Đông.

Các tín hữu xếp hàng trật tự lên nhận lộc thánh và thiệp chúc mừng năm mới. Ảnh: Nguyễn Đông.

Cha Đaminh Đặng Bá Linh (quản xứ Chính Trạch) cho biết, người Việt Nam có tập tục hái lộc vào ngày đầu xuân. Sau khi đi lễ chùa hay đền, người dân thường hái một cành cây mang về để trước ban thờ cho đến hết Tết. Lộc non tượng trưng cho ơn trời, giúp con người phát đạt, thịnh vượng.

Tập tục này đã được hội nhập vào sinh hoạt đầu năm của người Công giáo. Nhưng thay vì hái cành cây, người Công giáo nhận một câu lời Chúa làm phương châm sống cho mình trong năm mới và suốt đời. "Như vậy, hái lộc xuân đối với người Công giáo là hái lộc thánh", cha Linh giải thích.

Theo cha Linh, qua nghi lễ hái lộc thánh, người Công giáo tin tưởng câu kinh thánh mình nhận được chính là lời Chúa ban cho mình và gia đình. Người Công giáo cũng tin tưởng khi suy niệm và sống theo lời nhắn nhủ trong lộc thánh thì sẽ được Chúa ban phúc lộc, bình an trong năm mới.

Việc hái lộc thánh đầu năm ở nhà thờ công giáo có nhiều cách. Thông thường ở các giáo xứ phía Bắc, lộc thánh sẽ được treo lên một cây đào lớn. Linh mục phát tiền lì xì cho giáo dân sau khi hái lộc. Một số nhà thờ ở cố đô Huế, linh mục sẽ đóng dấu lên một lá lộc, ai hái trúng sẽ được nhận thêm một món quà Tết.

Tại giáo xứ Phúc Lạc (Giáo phận Thanh Hoá) giáo dân được nhận lì xì từ linh mục và lên cung thánh hái lộc treo trên cây đào. Ảnh: Nguyễn Dương.

Tại giáo xứ Phúc Lạc (Giáo phận Thanh Hoá) giáo dân được nhận lì xì từ linh mục và lên cung thánh hái lộc treo trên cây đào. Ảnh: Nguyễn Dương.

Linh mục Giuse Phan Tấn Hồ (Dòng Thánh Tâm Huế) cho biết, lộc thánh mang ý nghĩa tinh thần rất lớn với người Công giáo. Trước Tết, các Giáo phận sẽ thống nhất một số tiêu chí về lộc thánh trong năm, chọn lời chúa và chọn hình thức thể hiện rồi đặt in để phát cho giáo dân.

Các linh mục sau khi hái lộc có thể công bố và chia sẻ đôi điều về lời kinh thánh in trong đó trước cộng đoàn tham dự. Các câu kinh thánh đa số là khuyên răn giáo dân sống tốt đời, đẹp đạo. "Người Công giáo đã hái lộc thánh thì không đổi lại. Thay vào đó phải suy ngẫm lời Chúa để cải thiện đời sống", cha Hồ nói.

Trong ba ngày Tết, Giáo hội Công giáo Việt Nam cho phép cử hành ba thánh lễ. Ngày mùng 1 cầu bình an cho năm mới, mùng 2 kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ (cầu nguyện cho người đã qua đời, một số nơi tổ chức mừng thọ người cao tuổi), mùng 3 thánh hóa công ăn việc làm (chúc lành cho công việc làm ăn).

About Hoàng Anh

Hoàng Anh
Recommended Posts ×

0 nhận xét:

Post a Comment