Quảng BìnhSau một tháng làm con nuôi Đồn biên phòng Ngư Thủy, cùng ăn, cùng ở với các sĩ quan, ba học sinh lớp 3-5 đã tăng cân, lực học cải thiện.
![]() |
Từ tháng 11/2019, bếp ăn của Đồn biên phòng Ngư Thủy có thêm ba cháu nhỏ. Ảnh: Hoàng Táo |
Trần Văn Tứ năm nay tròn 10 tuổi, nhà ở xã Ngư Thủy Nam. Bố mất, mẹ đi làm ở miền Nam, Tứ sống với cậu mợ. Thiếu người chăm sóc, gia đình lại khó khăn, Tứ học hành chểnh mảng, chỉ xếp loại trung bình.
Thương hoàn cảnh của Tứ, Đồn biên phòng Ngư Thủy ngỏ lời với gia đình, nhà trường, địa phương để nhận em làm con nuôi. Từ tháng 12/2019, Tứ cùng hai bạn khác vào ở chung phòng với ba đội trưởng. Mỗi căn phòng kê thêm một chiếc giường đơn, thêm chăn màn, giường chiếu, bàn học và giá sách.
Thiếu tá Mai Thanh Hải được giao kèm kẹp Tứ. Anh kể những ngày đầu Tứ rất nhớ nhà, anh thường xuyên tâm sự, trước khi đi ngủ khoảng 10-15 phút cho em gọi điện thoại video với mẹ.
![]() |
Ba đội trưởng được phân công kèm cặp ba cháu cả giấc ngủ đến bữa ăn, học hành. Ảnh: Hoàng Táo |
Tứ chia sẻ những ngày đầu vào ở Đồn biên phòng thấy rất xa lạ. Trong những cuộc điện thoại với mẹ, em bật khóc. "Chú Hải thương cháu, thường bày học bài hàng tối. Sau một tuần thì cháu quen dần và ít thấy nhớ nhà hơn", Tứ kể.
Giống Tứ, Nguyễn Văn Đạt (lớp 5, nhà ở xã Ngư Thủy Trung) rất buồn khi mới vào ở đồn biên phòng. Sau một tuần Đạt thân quen và không còn nhớ nhà. Đạt ở với bố mẹ và bà nội, nhưng hoàn cảnh khó khăn nên gia đình gửi em vào làm con nuôi biên phòng.
Tứ, Đạt và một em lớp 3 được rèn nề nếp, tác phong như bộ đội, sáng dậy lúc 5h30 tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi đi học; tối ngủ lúc 9h30 để đảm bảo sức khỏe. Tháng đầu tiên, các sĩ quan thay nhau chở ba em đến trường, cách đồn khoảng một km. Sau này, ba em được sắm cho ba chiếc xe đạp để tự đi học.
Ngoài việc kèm học hành, các con nuôi còn được dạy võ thuật, thể thao. Đầu tháng, các em được kiểm tra sức khỏe, cân nặng, chiều cao. Sau một tháng làm con nuôi, cả ba đều tăng 1,5 đến 2 kg, biết tự giặt áo quần, gấp chăn màn.
Đạt cười kể: "Các chú đối xử với cháu rất tốt. Làm con nuôi biên phòng thật sướng".
![]() |
Nhờ được kèm cặp, các cháu đã tiến bộ trong học tập. Ảnh: Hoàng Táo |
Trung tá Lê Mạnh Hùng, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Ngư Thủy, cho hay đồn phụ trách 3 xã với 30,5 km biên giới biển. Đây là ba xã bãi ngang, ngư dân chủ yếu làm ngư nghiệp, với thuyền nan tre, công suất 20CV. Để nuôi các cháu, cán bộ chiến sĩ của đồn chung tay đóng góp kinh phí. Bữa ăn hàng ngày, ngoài các món chung như bộ đội, các cháu còn được nấu bổ sung một số món.
"Chúng tôi lo bữa ăn, giấc ngủ, cả chuyện học hành. Có cháu đau răng, không ăn được cay thì phải nấu riêng, cán bộ đi công tác về đều có quà... nên các cháu rất quyến luyến", trung tá Hùng kể. Hàng tuần, ba cháu được gia đình đón về và ở lại 1-2 ngày. Tối chủ nhật, các cháu trở về Đồn để chuẩn bị cho tuần học mới.
Giáo viên chủ nhiệm Bùi Thị Hải Yến nhận xét Tứ rụt rè, học trung bình khá, cô đã trao đổi với sĩ quan phụ trách đề kèm cặp. "Các chú bày vẽ, yêu cầu học bài nên các cháu tiến bộ, học hành vào khuôn khổ, ý thức hơn", cô Yến nói.
Gửi cháu vào làm con nuôi biên phòng, bà Nguyễn Thị Nồng (bà nội cháu Nguyễn Văn Đạt) tự hào nói cháu học giỏi, ngoan ngoãn nên được các chú bộ đội khen ngợi. Bà Nồng nói cho cháu vào biên phòng học hết lớp 9 rồi nhận về.
Theo trung tá Lê Mạnh Hùng, đồn nhận ba cháu làm con nuôi đến hết lớp 9, sau đó đưa về gia đình và tiếp tục hỗ trợ theo chính sách nâng bước em đến trường, mỗi tháng 500.000 đồng cho đến hết năm 18 tuổi.
0 nhận xét:
Post a Comment