Trước dự báo Việt Nam sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn, Chính phủ dự kiến cho nhập khẩu thịt và tái đàn lợn trong nước thời gian tới.
Video: Trực tiếp cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ.
Trả lời câu hỏi về kiểm soát giá thịt lợn trong điều kiện giá mặt hàng này những ngày qua tăng cao, Thứ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, trong cuộc họp gần đây với Chính phủ, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn khẳng định chỉ bán thịt lợn với giá 66.000 đến 70.000 đồng mỗi kg.
"Dự kiến thời gian tới Việt Nam thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo nhập thịt lợn từ đối tác, song phải đảm bảo cân đối lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng", ông Tiến cho hay.
Theo ông, đến nay đã có 14% tỉnh và hơn 85% xã hết dịch qua 30 ngày, đây là điều kiện tốt để tái đàn lợn thời gian tới. "Tổng đàn lợn hiện còn 25 triệu con, trong đó lợn nái 2,7 triệu con, lợn cụ kỵ 109.000 con, đảm bảo tái đàn bằng giống có chất lượng cao", ông Tiến nói.
Ngoài ra, so với năm 2018, năm nay tổng sản lượng thực phẩm tăng 390.000 tấn gồm thịt gia cầm, thịt trâu bò, dê cừu..., một phần phục vụ tăng trưởng, phần khác bù đắp thiếu hụt thịt lợn.
![]() |
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Ảnh: Viết Tuân |
Về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, Chính phủ thống nhất đánh giá kinh tế Việt Nam qua 11 tháng năm 2019 "tiếp tục xu hướng chuyển biến tích cực".
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước, chủ yếu do giá thịt lợn. Tuy nhiên, bình quân 11 tháng chỉ tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng trưởng hai con số (12,6%) - đây là mức tăng cao nhất trong 6 năm qua. Tháng 11, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 1,8 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay, lũy kế 11 tháng đạt gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4%.
Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 241 tỷ USD, tăng 7,8%. Xuất siêu 9,1 tỷ USD, là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam xuất siêu. "Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2019 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ cán đích 500 tỷ USD", ông Dũng nói.
Bên cạnh kết quả đạt được, lãnh đạo Chính phủ cho rằng còn một số tồn tại cần giải pháp cụ thể từ nay đến đầu năm 2020. Trong đó, ngành nông nghiệp lưu ý ảnh hưởng kép của dịch bệnh và giá nông sản giảm; không để xảy ra tình trạng khan hiếm thực phẩm trong dịp Tết.
Các địa phương chấn chỉnh tình trạng phá rừng, nhất là một số tỉnh ở Tây Nguyên.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành và TP HCM cần chú ý tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm.
"Về vấn đề hình ảnh đường lười bò len lỏi vào các sản phẩm nghệ thuật, sách báo... thời gian qua, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ, không để các sản phẩm có hình ảnh này phát tán ra thị trường", ông Dũng cho hay.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP |
Tại phiên họp lần này, các thành viên Chính phủ đã chia tay nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Y tế với bà Tiến. Hiện bà Tiến giữ chức Trưởng Ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương.
"Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có nhiều đóng góp, thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình với những tiến bộ rõ nét của ngành y tế thời gian qua", Thủ tướng nói.
"Hôm nay là ngày đáng nhớ trong cuộc đời", nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ. Theo bà, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các Phó thủ tướng thời gian qua đã giúp ngành y tế Việt Nam có nhiều đổi mới, hội nhập "đạt được những kết quả mà quốc tế đánh giá tích cực".
Tiếp tục cập nhật.
0 nhận xét:
Post a Comment