latest Post

Được và mất khi bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp

Lãnh đạo nhiều đại học cho rằng quy định bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp là hướng đi tiến bộ, nhưng có thể gây khó khăn cho nhà tuyển dụng.

Dự thảo lần 1 thông tư quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến từ ngày 3/10. Trong 10 nội dung chi tiết được ghi lên bằng, không có mục xếp loại bằng tốt nghiệp theo các mức gồm: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình.

GS Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng trường Đại học Văn Lang (TP HCM), cho rằng hướng đi này đang tiệm cận so với cách làm của các nước tiên tiến. Ở Mỹ, hầu hết trường không ghi xếp loại này trên văn bằng tốt nghiệp mà thể hiện ở học bạ hoặc bảng điểm đi kèm.

Vài năm sau khi ra trường, sinh viên sẽ không nhớ được xếp loại gì khi tốt nghiệp mà vấn đề quan tâm hơn là giá trị của họ với tổ chức đang làm việc. Giỏi, khá hay trung bình chỉ là xuất phát, để làm việc cần học hỏi, trau dồi liên tục.

"Xếp loại thực ra chỉ đánh giá được một khía cạnh, đó là khả năng nắm bắt được kiến thức của một người nào đó, còn cái doanh nghiệp quan tâm là kỹ năng xử lý vấn đề, ứng dụng trong từng điều kiện cụ thể", GS Thành nói.

Cũng theo ông Thành, quy định này là tín hiệu tích cực với các trường đại học trong việc nâng cao trách nhiệm giải trình, trách nhiệm về chất lượng đầu ra với xã hội. Nhiều sinh viên thành đạt sẽ là minh chứng cho chất lượng của trường đó. Lúc này, bằng giỏi, khá, trung bình không nhiều ý nghĩa.

Sinh viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: Mạnh Tùng.

Sinh viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: Mạnh Tùng.

Ủng hộ quy định trên, nhưng PGS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM) cho rằng với nhà tuyển dụng, tấm bằng ghi xếp loại tốt nghiệp là kênh thông tin tốt để họ tham khảo ở vòng sơ loại. Chẳng hạn khi tuyển dụng giảng viên, người ta sẽ khó chọn người tốt nghiệp trung bình.

Nhưng với hầu hết ngành nghề khác, khá giỏi hay trung bình ở bằng cấp chỉ là tương đối, không phải nhà tuyển dụng nào cũng quan tâm. Còn với sinh viên, chỉ số ít người học xuất sắc, giỏi muốn được ghi xếp loại trên tấm bằng, những người trung bình sẽ không mấy mặn mà.

"Thực tế học giỏi thì chưa chắc đã làm việc giỏi, nhưng sinh viên học giỏi thì khả năng làm việc tốt, thành công cao hơn. Như vậy người giỏi không ngại gì thể hiện năng lực bằng công việc chứ không phải là ở tấm bằng", ông nói.

Cũng theo PGS Phong, thực tế các trường vẫn cấp bằng tốt nghiệp đồng thời cả bảng điểm, quá trình học tập của sinh viên. Do đó việc in xếp loại nên bằng là không cần thiết, nhà tuyển dụng cần thêm thông tin thì có thể xem bảng điểm.

Trong khi đó, ở khối công lập, nhiều lãnh đạo trường đại học cho rằng cần ghi xếp loại trên bằng vì chất lượng đạo tạo giữa các trường chưa ngang bằng nhau. "Xếp loại giỏi của trường này chưa chắc đã bằng khá của trường kia", TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển Khoa học và công nghệ, Đại học Tôn Đức Thắng bày tỏ.

Ông Út cho rằng, với những nước có truyền thống giáo dục đại học lâu đời thì việc xếp loại không mấy quan trọng, nhưng ở Việt Nam thì nên quan tâm. Thực tế các nước Bắc Mỹ hầu hết không xếp loại nhưng châu Âu vẫn duy trì. Thông tin xếp loại là cái nhìn ban đầu của xã hội, nhà tuyển dụng với đầu ra của một trường, một thứ hạng cao ở bằng đại học tạo thuận lợi cho người muốn du học.

"Hiện phụ huynh, người học không còn tâm lý phải có bằng được bằng đại học, cái họ cần là một tấm bằng có giá trị với thị trường lao động. Xếp loại sẽ không còn quan trọng bằng thương hiệu của trường nếu đảm bảo khâu kiểm định chất lượng đào tạo, chất lượng đầu ra", ông nói.

Sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm tại Ngày hội việc làm năm 2019 tại Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Dương Tâm.

Sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm tại Ngày hội việc làm năm 2019 tại Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Dương Tâm.

Ở góc nhìn người sử dụng lao động, ông Lê Đức Cường, Trưởng phòng tuyển dụng Công ty TNHH Hạ tầng viễn thông miền Bắc thuộc FPT Telecom, cho hay nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên chủ yếu dựa trên năng lực chứ không chỉ bằng cấp. Thông thường, các đơn vị tuyển dụng không quá quan trọng việc ứng viên đạt loại khá hay giỏi, bằng chính quy hay tại chức mà dựa trên năng lực. Ở vị trí đòi hỏi chuyên môn cao, doanh nghiệp càng luôn chú trọng năng lực thực tế khi phỏng vấn đầu vào với nhiều bài test và câu hỏi phỏng vấn kỹ hơn.

Là doanh nghiệp thiên về kỹ thuật, doanh nghiệp của ông ưu tiên các ứng viên có tay nghề cao nhưng để đi đến bước phỏng vấn kỹ, phòng tuyển dụng phải trải qua quá trình lọc hồ sơ. "Nếu bằng cấp không phân loại, chúng tôi sẽ gặp một chút rắc rối ở khâu này", anh Cường nói. Chẳng hạn ở một số vị trí nhất định, công ty ưu tiên ứng viên có bằng khá trở lên. Khi lọc hồ sơ, việc bằng cấp ghi kết quả xếp loại sẽ giúp khâu này dễ dàng hơn.

Khi nhìn xếp loại trên bằng cấp của ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng xếp nhóm để phỏng vấn. Chẳng hạn, các bạn có bằng giỏi sẽ được phỏng vấn riêng với bộ câu hỏi khác, đánh giá sâu vào chuyên môn. Với ứng viên có bằng liên thông, tại chức hay bằng trung bình thì cách hỏi sẽ phải khác đảm bảo có thể phát hiện, đánh giá được năng lực của họ phù hợp với vị trí nào.

"Với cách làm này, phỏng vấn 10 bạn xuất sắc sau sơ loại, công ty có thể lấy được 8 bạn. Nhưng nếu không phân loại để phỏng vấn theo nhóm như vậy, để lấy được 8 bạn, công ty phải phỏng vấn 30 người", ông Cường nói. 

Quá trình phỏng vấn cho thấy những ứng viên qua sơ loại với tấm bằng giỏi có tố chất khác hẳn, năng lực và tư duy đều ổn. Người có bằng trung bình hay nợ môn nhiều thì kỳ vọng không cao. "Nói chung, bằng cấp và nội dung ghi trên bằng là điều kiện cần chứ chưa đủ, nó giúp ích cho nhà tuyển dụng", ông nói.

Tốt nghiệp loại khá Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Ngọc Châu (24 tuổi, quê Phú Thọ) cho rằng việc ghi xếp loại không cần thiết dù biết điều này sẽ khiến nhiều sinh viên giỏi không hài lòng. "Từ lúc xin việc đến lúc phỏng vấn và vào thử việc, không ai đòi hỏi tôi loại giấy tờ này. Thậm chí, hơn một năm đi làm, tôi cũng chưa mở bằng đại học ra xem lại lần nào", Châu nói.

Nữ phiên dịch viên tiếng Trung này cho rằng việc xếp loại khá hay giỏi đôi khi phụ thuộc vào yếu tố thời điểm. Điểm các môn chuyên ngành của Châu rất cao nhưng do gặp vấn đề khi làm khóa luận tốt nghiệp cùng các môn bắt buộc không phải chuyên ngành có điểm thấp nên Châu không thể đạt bằng giỏi.

"Điều đó không thể đánh giá hoàn toàn năng lực của mình có tốt hay không. Bằng cấp là cần thiết bởi nó là bằng chứng cho thấy mình được đào tạo bài bản, nhưng việc ghi xếp loại trên bằng có cũng được mà không có cũng không sao", Châu bày tỏ quan điểm.

Chiều 6/10, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin làm rõ dự thảo "Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học".

Điều 38 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (có hiệu lực từ ngày 1/7) quy định: "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng...". Do đó với giáo dục đại học, người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời bằngphụ lục bằng.

Thực hiện quy định của Luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng song song hai văn bản luật trong năm 2019: Thông tư Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (đã hoàn thiện thủ tục và chuẩn bị ban hành); Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học.

Trong thông tư thứ nhất về quy chế quản lý bằng tốt nghiệp đã có quy định nội dung chính của phụ lục văn bằng giáo dục đại học bao gồm:

- Thông tin của người được cấp văn bằng: họ và tên; ngày tháng năm sinh;

- Thông tin về quá trình đào tạo và cấp bằng: tên cơ sở giáo dục đại học cấp bằng; ngành đào tạo; chuyên ngành đào tạo; ngày nhập học; ngày cấp bằng; nơi tổ chức đào tạo (tên cơ sở đào tạo/phân hiệu); ngôn ngữ giảng dạy; thời gian đào tạo;

- Thông tin về trình độ đào tạo; hình thức đào tạo; trình độ đào tạo kế tiếp mà người có văn bằng được tiếp cận;

- Kết quả học tập: tên học phần hoặc môn học; số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học; điểm học phần hoặc môn học; tổng số tín chỉ tích lũy; điểm trung bình; tên luận văn và kết quả luận văn (nếu có); điểm xếp loại tốt nghiệp; xếp loại tốt nghiệp.

Trường hợp văn bằng được cấp khi các tín chỉ tích lũy ở những cơ sở đào tạo khác nhau, cần ghi rõ tên môn học và số tín chỉ của từng môn học được công nhận để xét tốt nghiệp và tên cơ sở đào tạo.

Thông tin quy định ghi trên phụ lục văn bằng trên đã đảm bảo cung cấp đầy đủ về quá trình đào tạo, kết quả học tập, hình thức đào tạo  của người học, giúp người sử dụng lao động có đầy đủ thông tin.

Dự thảo Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học chỉ quy định nội dung chính ghi trên văn bằng, thông tin khác đã quy định phải ghi trên Phụ lục văn bằng và được cấp đồng thời với văn bằng cho người học.

Theo Cục Quản lý chất lượng, việc cấp văn bằng cùng với phụ lục văn bằng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam.

About Hoàng Anh

Hoàng Anh
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment