latest Post

Nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng có thể bị tháo dỡ một phần

Hà Giang sẽ không "phạt cho tồn tại", phần không ảnh hưởng đến danh thắng có thể giữ lại, những phần khác sẽ tháo dỡ chỉ còn là điểm để du khách nghỉ chân.

Chiều 7/10, ông Hoàng A Chinh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang cùng đoàn liên ngành đã đo đạc, kiểm tra sai phạm nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc). 

Theo ông Chinh, công trình này nằm ở khu vực nông thôn, nơi chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết, nên không phải có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, nhà hàng thiếu ba loại giấy tờ là giấy phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng; giấy chứng nhận đầu tư và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư; hồ sơ thiết kế công trình để đánh giá mức độ an toàn, tác động môi trường.

Dù công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ II của danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến cảnh quan, nên phải có ý kiến ngành văn hoá. "Trách nhiệm này trước hết thuộc về huyện Mèo Vạc", ông Chinh nói. 

Ông Hoàng A Chinh. Ảnh: Giang Huy 

Ông Hoàng A Chinh. Ảnh: Giang Huy 

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang khẳng định, theo các quy định hiện tại, địa phương sẽ không giải quyết theo hướng "phạt cho tồn tại", nếu chủ đầu tư không hoàn thiện được các giấy tờ, thủ tục cần thiết thì nhà chức trách sẽ xem xét tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần nhà hàng.

"Những phần không ảnh hưởng đến danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng và cảnh quan thiên nhiên, môi trường xung quanh có thể được giữ lại. Phần ảnh hưởng lớn đến di sản, môi trường thì sẽ bị phá dỡ. Sau đó công trình sẽ được chỉnh trang lại chỉ là điểm để du khách nghỉ chân, phù hợp với danh thắng Mã Pì Lèng", ông Chinh nói.

Ông Hoàng A Chinh cũng thừa nhận, bằng cảm quan, ông thấy nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng có những phần sân nhô ra phía sông Nho Quế "không thân thiện với môi trường, phá vỡ một phần cảnh quan".

Nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng: Ảnh: Giang Huy 

Nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng: Ảnh: Giang Huy 

"Công trình chưa có hồ sơ thiết kế, nếu thiết kế không đảm bảo chất lượng thì khi khách tụ tập đông, nếu xảy ra tai nạn sẽ không thể lường trước được hậu quả", ông Chính nói và khẳng định, xây dựng điểm dừng chân cho du khách trên đèo là cần thiết, "tuy nhiên công trình không nên kèm theo các phòng nghỉ và nhiều dịch vụ khác".

Sau khi kiểm tra, sáng 8/10, Sở Xây dựng sẽ họp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên Môi trường, Văn hoá, Thể thao và Du lịch để đưa ra kết luận, tham mưu tỉnh tìm hướng giải quyết. "Chúng tôi sẽ xem xét thấu tình, đạt lý, dựa trên quy định pháp luật, có xem xét thực tế vị trí công trình và nhu cầu tham quan, nghỉ chân của khách du lịch", ông Hoàng A Chinh nói. 

Toà nhà bê tông được xây làm nhà nghỉ, nhà hàng, cafe... ngay trên hẻm vực Tu Sản, ở đèo Mã Pì Lèng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu 2019. Nhà cao 6 tầng, nằm thoải theo sườn đèo, có 5 ban công lớn để du khách ngắm cảnh.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, công trình chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng. Công trình cũng chưa có giấy phép xây dựng.

Bà Mua Hồng Sinh, Phó chủ tịch huyện Mèo Vạc nói "có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền" khi để công trình xây trái phép trên đèo Mã Pì Lèng.

Bà Sinh giải thích, từ khi nhà hàng, nhà nghỉ Panorama bắt đầu xây dựng, huyện đã nhiều lần đến kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công để hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Nhưng đến nay công trình đã hoàn thành, đi vào hoạt động mà chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện các giấy tờ cần thiết.

Còn bà Vũ Thị Ánh, chủ nhà hàng Panorama thừa nhận chưa được chính quyền cấp phép xây dựng nhưng công trình không đáng bị tháo dỡ và tẩy chay. Bởi bà xây nhà hàng theo lời kêu gọi đầu tư của địa phương và đã được nhà chức trách kiểm tra độ an toàn.

About Hoàng Anh

Hoàng Anh
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment