Để gỡ khó cho 2 tuyến Metro, ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị khẩn được làm việc với Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư; Bộ trưởng Tài Chính...
Văn bản khẩn này cũng được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong gửi Thủ tướng, kiến nghị được làm việc với Trung ương trước ngày 11/10, nhằm giải quyết công tác thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn điều chỉnh của 2 dự án Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và Số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Trước đó, theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, thành phố đã đánh giá toàn bộ tình hình thực hiện dự án; tổ chức thẩm định nội bộ việc điều chỉnh (gồm thẩm định nguồn vốn khả năng cân đối vốn) và đã gửi cho cơ quan này cùng Bộ Tài chính xem xét. Theo kế hoạch thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cho 2 dự án, thời hạn hoàn tất hồ sơ phải kết thúc trước ngày 21/10 để kịp trình HĐND TP HCM vào kỳ họp cuối năm nhưng đến giờ thành phố vẫn chưa nhận được ý kiến của hai bộ này.
Tuyến Metro Số 1 đoạn đi trên cao song song Xa lộ Hà Nội. Ảnh: Hữu Khoa |
Theo ông Phong, nếu các thủ tục phê duyệt điều chỉnh không kịp hoàn thành trong tháng 11, các nhà thầu chậm được thanh toán sẽ có nguy cơ ngừng, giãn tiến độ thi công, thậm chí xảy ra tranh chấp, kiện tụng với các nhà thầu nước ngoài.
Tương tự, tuyến Metro Số 2 đang ở giai đoạn đấu thầu chọn nhà thầu xây dựng song song với quá trình điều chỉnh dự án. Nếu thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư không được thông qua trong tháng 11, kế hoạch trao thầu, giải ngân các hiệp định vay của nhà tài trợ sẽ không kịp thực hiện trước hạn cuối vào tháng 12/2020, có nguy cơ hết hiệu lực hiệp định vay, dự án mất nguồn vốn và ngưng trệ.
UBND TP HCM cũng lo ngại hai dự án Metro tiếp tục chậm trễ, sẽ ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia nước ngoài tài trợ cho dự án. Nhất là khả năng tài trợ cho các dự án và các tuyến metro trong tương lai. Đồng thời, dư luận trong và ngoài nước sẽ có đánh giá không tốt vai trò quản lý, điều hành thực hiện các dự án vốn vay nước ngoài trong lĩnh vực đường sắt đô thị của Việt Nam.
"Với yêu cầu bức thiết nêu trên, UBND TP HCM kiến nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư đặc biệt quan tâm, thu xếp chủ trì một buổi làm việc với đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính cùng đại diện các cơ quan liên quan...", văn bản của ông Phong nêu.
Dự án tuyến Metro Số 1 (dài gần 20 km) được UBND TP HCM phê duyệt từ năm 2007 với tổng mức đầu tư 17.400 tỷ đồng, đến năm 2010 được phê duyệt lại trên cơ sở điều chỉnh thiết kế cộng với sự thay đổi tỷ giá đồng yen Nhật, nâng tổng mức đầu tư lên 47.000 tỷ đồng, song vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền thông qua. Hiện dự án này đạt khoảng 67% khối lượng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021, sau nhiều lần điều chỉnh ngày về đích.
Tuyến Metro Số 2 (dài 11,3 km) có tổng mức đầu tư thay đổi từ 26.000 tỷ đồng lên 48.000 tỷ đồng sau khi tính toán. Dự án hiện mới xây dựng tòa nhà điều hành và đã phải xin lùi thời gian hoàn thành từ năm 2024 đến năm 2026 vì thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư chưa xong.
Hôm 21/9, UBND TP HCM cũng kiến nghị Bộ Tài chính cấp phát 3.700 tỷ đồng vốn ODA chưa giải ngân từ ngân sách Trung ương trong năm 2019 cho TP HCM nhằm bảo đảm tiến độ dự án và tránh các khiếu kiện từ phía nhà thầu thi công.
Hữu Nguyên
0 nhận xét:
Post a Comment