Lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng việc cung cấp nước nhiễm bẩn là "vô trách nhiệm" và đề nghị "xử lý nghiêm theo quy định pháp luật".
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 22/10 về sự cố nước sạch ở Hà Nội, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường cho rằng, "đây là vi phạm nghiêm trọng, những người đổ dầu thải ở đầu nguồn và cung cấp nước bẩn đều phải được xử lý và chúng ta có đầy đủ quy định pháp luật để làm việc này".
Ông Hà nói, sự cố lần này cho thấy công tác kiểm soát an ninh nguồn nước có vấn đề lớn; công ty nước sạch đã thiếu các giải pháp kịp thời, qua đó cho thấy sự "vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết". "Thái độ bức xúc của người dân cũng là thái độ của tôi, vì tôi cũng phải ăn nước nhiễm bẩn đó mất 3 ngày", ông Trần Hồng Hà chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường, về pháp luật thì "hãy để cho cơ quan chức năng giải quyết"; còn về quan hệ dân sự, trường hợp một doanh nghiệp sản xuất nước sạch, "nếu như biết nước đã ô nhiễm vẫn cung cấp thì các hộ sử dụng nước - bên mua ký hợp đồng có thể xem xét khởi kiện".
Ngoài ra, Bộ trưởng Hà nêu, "bán thuốc giả phải đi tù, cung cấp nước bẩn cũng có thể như vậy, tuy nhiên ở đây kết luận chính thức phải chờ cơ quan chức năng, toà án và viện kiểm sát".
![]() |
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Võ Hải |
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường nói, sự cố nước bẩn ở Hà Nội cho thấy trong quản lý Nhà nước còn thiếu chủ động ban hành cơ chế, chính sách, quy phạm pháp luật liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước. Cùng với đó là cơ chế giám sát thực thi chính sách, pháp luật của doanh nghiệp sản xuất nước sạch.
"Chuyển từ Nhà nước đảm bảo nguồn nước sạch sang tư nhân có những mặt tích cực, nhưng bên cạnh đó đặt ra vấn đề về sự phối hợp giữa cơ quan chức năng ở địa phương và doanh nghiệp tư nhân trong bảo vệ an toàn nguồn nước, khi xảy ra việc thì quy trách nhiệm cho ai?", ông Hà nói.
Theo ông, "nếu chúng ta để tình trạng quản lý lỏng lẻo và trách nhiệm nhà cung cấp nước kém ý thức như thế này thì không loại trừ kịch bản nào đó xấu hơn sẽ xảy ra".
Ông Tạ Văn Hạ - Thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, nêu băn khoăn, "trong dầu thải có những chất gì ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân? Điều này chưa được cơ quan chức năng công bố rõ ràng, kịp thời".
Ông Hoàng Văn Hùng - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, nhìn nhận nước sạch là lĩnh vực an sinh xã hội, do vậy khi nước nhiễm bẩn mà không có phương án dự phòng thì "người dân rất khổ".
"Nhà nước cần tính phương án thay thế, bổ sung nước sạch cho người dân khi có sự cố xảy ra, tránh cảnh xếp hàng lấy nước như thời bao cấp", ông đề xuất.
Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi hắc như dầu cháy xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm...
Ngày 11/10, Đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy mẫu, xét nghiệm, dự kiến có kết quả sau bảy ngày.
Ngày 14/10, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về việc xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn (Hòa Bình). Sau đó, dầu lan vào kênh dẫn của Nhà máy nước sạch sông Đà. Sự việc được một số cán bộ công ty phát hiện sáng 9/10, nhưng không báo cáo cơ quan chức năng; không ngăn chặn ô nhiễm.
Ngày 15/10, gần một tuần sau tình trạng trên, Hà Nội họp báo cho biết nước bị nhiễm độc và đưa ra khuyến cáo "chỉ nên dùng để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống". Nước sạch bị ô nhiễm gây ảnh hưởng cuộc sống của hơn 250.000 hộ, tương đương 18% số hộ dân Hà Nội.
Ngày 17/10, công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235, Bộ luật hình sự 2015.
0 nhận xét:
Post a Comment