Ông Hoàng Quang Hàm cho rằng, gần đây Việt Nam tăng trưởng kinh tế cao "thuộc top đầu khu vực, nhưng bước đi ngắn nên vẫn tụt hậu so với nhiều nước".
Video trực tiếp phiên thảo luận của Quốc hội.
- Các đại biểu thảo luận ở hội trường về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển năm 2020.
- Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
- Vào đầu phiên thảo luận có 105 đại biểu đăng ký nêu ý kiến.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm - Thường trực Uỷ ban Tài chính & Ngân sách nêu vấn đề, Việt Nam vẫn là quốc gia thu nhập trung bình thấp, "chưa hoá rồng, hoá hổ". Ông phân tích, nhìn lại cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người Việt Nam là 100 USD thì thế giới ở mức 4.000 USD. Năm 2017, Việt Nam khoảng 2.385 USD thì thế giới là 10.700 USD.
Đến năm 2018, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam là 2.590 USD, thế giới đã hơn 11.000 USD.
"Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân Việt Nam khoảng 7% mỗi năm, ở mức cao trong khu vực, thế giới nhưng xét về số tuyệt đối GDP thế giới ngày càng cách xa nước ta", ông Hàm nói và giải thích, Việt Nam "đi được nhiều bước, có lúc tăng trưởng cao thuộc top đầu khu vực, nhưng là bước ngắn nên vẫn tụt hậu so với nhiều nước, họ dù đi chậm lại bước dài hơn".
Ông Hàm cho rằng Việt Nam cần có đột phá để thay đổi, và nếu không khắc phục những bất cập này thì đất nước có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Điều này càng bức thiết trong thế giới diễn biến khó lường, "chủ nghĩa bảo hộ quay lại thì việc tận dụng thành tựu khoa học công nghệ của thế giới để phát triểt sẽ ngày càng khó khăn, càng khó thoát khỏi thế gia công lắp ráp".
Ba mũi nhọn để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, theo ông Hàm là nâng cao trình độ lao động, phát triển khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. "Muốn làm được cần đổi mới mạnh mẽ giáo dục, gắn với nhu cầu thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp", ông Hàm nói.
![]() |
Đại biểu Hoàng Quang Hàm. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Đề cập đến tình hình biển Đông, đại biểu Lê Công Nhường nhắc lại báo cáo Chính phủ nêu, "gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao".
Theo ông, Đảng và Nhà nước đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì Việt Nam không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.
"Trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, ngư dân là lực lượng tham gia đóng góp lớn, nhưng chính sách cho đối tượng này lại chưa được quan tâm đúng mức", ông Nhường nói và đề cập đến việc triển khai đóng tàu cá đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 (ban hành năm 2014).
![]() |
Đại biểu Lê Công Nhường. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Ông Nhường thông tin, tổng số nợ các ngân hàng cho ngư dân vay đóng tàu cá trên toàn quốc đến nay là gần 11.700 tỷ đồng; công suất của các tàu cá đã vượt qua nguồn lợi thuỷ sản tại vùng biển Việt Nam, nên nhiều ngư dân đã vi phạm khi đánh bắt vùng biển bên ngoài. Mặt khác, nhà chức trách công bố 21 mẫu tàu vỏ thép được cấp phép đóng mới theo Nghị định 67, nhưng khi áp dụng từng địa phương chưa phù hợp; một số tàu vừa hoạt động một năm đã hư hỏng.
Tại Bình Định hiện có 47 chủ tàu nợ gần 208 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 104 tỷ, lãi 107 tỷ đồng. Theo quy định, các chủ tàu này không được hỗ trợ lãi suất ngân hàng, việc thu nợ khó khăn. "Thực tế này cho thấy chúng ta đã quá vội vàng khi triển khai Nghị định 67, có những ngư dân giỏi đã trở thành con nợ xấu", ông Nhưỡng nói và cho rằng để phát triển nghề cá bền vững thì không chỉ cần nâng cấp phương tiện, kỹ thuật mà điều quan trọng là phải đào tạo ngư dân làm chủ tàu vỏ thép.
Ông đề nghị các cơ quan quản lý nhanh chóng đưa ra hướng dẫn để xử lý, trong đó có việc bàn giao khoản nợ từ chủ tàu cũ sang chủ tàu mới; quy định cụ thể về nợ quá hạn, lãi suất cho vay để địa phương có cơ sở thực hiện.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền bày tỏ lo ngại về bất cập trong thực thi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan công quyền. "Những công việc thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, nhưng khi xảy ra sự cố về người, tài sản thì mới vội vàng xử lý. Đây là tình trạng mất bò mới lo làm chuồng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng cơ bản", ông nói.
Đại biểu này nêu dẫn chứng như vi phạm của Công ty Alibaba kéo dài trong 3 năm ở nhiều tỉnh thành, lôi kéo và gây thiệt hại cho hàng nghìn người nhưng chỉ khi người dân phản ánh, sự việc vỡ lở thì cơ quan chức năng mới vào cuộc, xử lý. Hay là vụ cháy ở Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, sự cố nước sạch ở Tây Nam Hà Nội... cũng cho thấy những vấn đề trong quản lý nhà nước ở địa phương.
Nêu vấn đề chậm trễ trong triển khai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đặt câu hỏi: "Tại sao một số tuyến đường khác chưa cấp thiết, xây dựng xong nhưng lượng xe lưu thông không nhiều thì được thực hiện nhanh chóng, trong khi tuyến đường này lúc nào cũng khó khăn, vướng mắc?".
Vào cuối tháng 9, lãnh đạo Chính phủ đã đi thị sát, kiểm tra việc thi công, triển khai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, và cho hay đã đồng ý bố trí hơn 3.000 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ hai dự án nêu trên.
"Hi vọng sau kỳ họp Quốc hội, với sự quyết liệt của các ngành, các cấp, tuyến cao tốc từ Trung Lương đến Cần Thơ sẽ hoàn thành đúng tiến độ, tiến tới đầu tư tuyến cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau giai đoạn 2021-2025 để đến năm 2025, chúng ta sẽ có tuyến cao tốc hiện đại, thông suốt từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau", ông Hận nói.
Ông Lưu Thành Công - Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Vĩnh Long cho rằng hiện có 3 rào cản trong phát triển nông nghiệp. Đầu tiên, theo ông là sự ngăn cách thông tin sản xuất, thị trường.
"Trở ngại lớn nhất của nông dân không phải vốn, kỹ thuật canh tác mà là thông tin thị trường. Họ chỉ nhận được thông tin qua các kênh không chính thống, qua đại lý thu mua, thương lái... Khi giá cả thị trường chưa tới được với nông dân thì bi kịch giải cứu nông sản chưa thể chấm dứt", ông Công nói.
Rào cản thứ 2 là tập trung ruộng đất. Ông Công cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích phát triển mô hình tập trung ruộng đất thông qua các cơ chế đặc thù, như miễn thuế, "nếu rào cản này được tháo gỡ sẽ thúc đẩy hình thành nông nghiệp lớn".
Cuối cùng là rào cản về tư duy kinh tế nhỏ lẻ. Ông Công đề xuất chuyển từ tư duy kinh tế tỉnh sang kinh tế vùng. Hiện mỗi tỉnh làm một kiểu, dàn hàng ngang ra làm. "Do vậy Chính phủ cần có chính sách căn cơ hơn phát triển kinh tế vùng, nhằm chuyển dần từ tư duy phát triển nông nghiệp thuần tuý là trồng lúa, chạy theo số lượng sang chất lượng, hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ", ông nói.
Báo cáo gửi tới Quốc hội, Chính phủ cho biết, tăng trưởng năm 2019 sẽ đạt ở cận trên của mục tiêu, khoảng 6,8%; lạm phát dưới 3%; bội chi ngân sách ở ngưỡng 3,4% GDP.
Chính phủ dự kiến bố trí ngân sách để tăng lương cơ sở năm 2020 lên mức 1,6 triệu đồng một tháng (mức hiện tại 1,49 triệu đồng); lương cơ sở sẽ tăng thêm khoảng 110.000 đồng một tháng, tương đương tăng 7%.
Tiếp tục cập nhật.
0 nhận xét:
Post a Comment