![]() |
Chính quyền giúp người già ở TP Vũng Tàu đi sơ tán. Ảnh: Nguyễn Khoa. |
Chiều 24/11, tại TP Vũng Tàu trời kéo mây đen, nổi gió, mưa bắt đầu lớn dần. Chính quyền đã cấm tắm biển, các điểm du lịch dừng tiếp nhận du khách và di tản người dân ở các nhà không kiên. Hơn 1.200 người ở gần núi, ven biển... đã được di dời đến nơi tránh bão Usagi.
Từ sáng sớm, ông Mai Văn Hiếu (phường Thắng Nhì) chuẩn bị chiếu, mền, chén đũa và ít mỳ tôm đến trụ sở khu phố trú ẩn. "Bão mười hai năm trước nhà dân khu đều bị tốc mái, tôn bay mù trời nên lần này nghe bão vào phải chạy trước cho an tâm", ông Hiếu nói.
Tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc Tàu, hàng chục người của chính quyền rảo bãi biển yêu cầu những người dân làm nghề cào hải sản lên bờ. 560 hộ dân ở trong những căn nhà lụp xụp trên các ao nuôi thủy sản được yêu cầu đến điểm sơ tán sau bữa cơm trưa.
Ngoài ra, những đoàn khách ở các địa phương khác đến nô đùa trên bãi biển bị buộc di tản, các điểm du lịch đóng cửa. "Trên đường xuống tôi có đọc được thông tin bão nhưng lỡ đến đây rồi xuống biển cho các con chơi một lát rồi về kẻo uổng công cả chuyến đi", người đàn ông từ Bình Dương nói.
![]() |
Đường đi của tâm bão Usagi lệch xuống phía Nam. Ảnh: NCHMF. |
Xếp áo quần, mền, gối cho vào ba bao tải, bà Nguyễn Thị Hương lo lắng nói: "Tôn mục nát, phên lá nên bão có vào hay không thì vẫn phải đi chứ ở lại nhà sập đè lúc nào không hay". Cách đó không xa, bà Đỗ Thị Giằng xách chiếc túi đựng quần áo, dắt 3 đứa con nhỏ rời căn nhà lá rộng chừng 20 m2. Tài sản không có thứ gì đáng giá.
Ngoài tiến hành cưỡng chế di dời người dân ở các vùng nguy hiểm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu các địa phương không được để người dân ở lại trên các tàu cá khi bão vào.
Ông Lê Tuấn Quốc, Phó chủ tịch UBND Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, toàn tỉnh đã di dời hơn 12.000 dân đến nơi tránh bão và sẽ tiếp tục di dời 6.000 người trước 16h hôm nay. Trước đó, tỉnh này dự kiến sơ tán hơn 42.000 hộ dân với hơn 158.000 người.
Bình Thuận sóng biển cao 3-5 m tấn công khu dân cư
Chiều nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, thị xã La Gi (Bình Thuận) xuất hiện nhiều đợt mưa lớn, sóng đánh mạnh vào bờ. Tại xã Tân Phước, sóng cao từ 3 đến 5 m, tấn công vào khu vực dân cư gây sạt lở nhiều điểm. Một số du khách chủ quan vẫn tắm biển bất chấp sóng to gió lớn.
![]() |
Khu vực bãi tắm xã Cam Bình, thị xã La Gi, Bình Thuận sóng đánh lớn gây sạt lở. Ảnh: Phước Tuấn. |
Nhận thấy mưa lớn kèm sóng to uy hiếp nhiều hộ dân ven biển, lực lượng túc trực xã Tân Phước liền tiến hành di dời. Nhiều người chần chừ không chịu đi đã bị cưỡng chế.
"Khoảng 90 hộ dân với hàng trăm người đã được đưa đến vùng an toàn. Ngoài ở nhờ nhà người thân, địa phương đã bố trí nhiều phòng học tại trường tiểu học cho người dân ở tạm", ông Trương Tấn Tâm, Chủ tịch UBND xã Tân Phước nói và cho biết thức ăn, nước uống cũng được hỗ trợ.
Đang cho con gái ăn cơm, chị Bùi Thị Tuyết (27 tuổi) cho biết nhà ở gần biển, nghe bão đến gia đình cũng lo lắng nên thu xếp lên trường ở cho an tâm. "Bão tối mới vào nhưng lên giờ này cho chủ động, chứ chờ đến lúc đó thì nguy hiểm lắm", chị Tuyết nói.
![]() |
Người dân được di dời lên trường tiểu học Tân Phước để trú bão chiều 24/11. Ảnh: Phước Tuấn. |
Chiều nay, tâm bão Suagi tiếp tục lệch xuống phía Nam, cách Vũng Tàu 200 km. Sức gió tối đa 100 km/h (cấp 10), giật cấp 12. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh có gió mạnh cấp 6-8. Biển động rất mạnh, sóng gần bờ cao 3-5 m. Sau đó, bão đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8, rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đường đi phức tạp của bão Usagi.
Ban Thời sự
0 nhận xét:
Post a Comment