Hàng chục ngôi nhà sụt xuống sông ngày 30/7. Video: Huy Mạnh.
Chiều 31/7, gương mặt phờ phạc, anh Cao Văn Thành (phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) nằm trên ghế salon trước cửa căn nhà tối om. Anh đã thức liên tục 30 tiếng, từ khi nửa căn nhà anh đang ở bỗng nứt toác rồi sụp xuống sông Đà.
Rạng sáng ngày 30/7, anh Thành đang ngủ thì nghe tiếng động lạ, tưởng có trộm nên anh bật dậy. Kiểm tra quanh nhà, người đàn ông tá hỏa phát hiện công trình phụ sau nhà đã tách rời khỏi nhà chính, lún gần một gang tay. Anh vội vã gọi vợ con dậy, dọn dẹp đồ đạc đi sơ tán, còn mình ở lại trông tài sản. Chiều cùng ngày, toàn bộ công trình phụ, bếp và một phần xưởng phía sau nhà anh sụt xuống sông.
Nằm sát nhà anh Thành, ngôi nhà bốn tầng của bà Nguyễn Thị Ngà sụt cả chục mét chỉ còn nhìn thấy một tầng.
"8 người nhà tôi đang ăn cơm thì nghe như tiếng nổ lớn, rung chuyển, mọi người vội tháo chạy ra đường, còn ngôi nhà tôi sụt xuống sông, mất gần hết tài sản", bà Ngà rơm rớm nước mắt nói. Gia đình bà Ngà phải lắp tạm giường sát quốc lộ làm nơi tá túc qua đêm.
Nhà của bà Ngà nằm trong số ba căn nhà tại địa chỉ 70, 72, 74 đổ ụp khoảng 19h ngày 30/7. Cùng lúc, tình trạng lún, nứt cũng được phát hiện tại gần 20 nhà khác.
![]() |
Một số ngôi nhà bị xẻ làm đôi do sụt lún. Ảnh: Ngoc Thành. |
Vừa tất tả dọn đồ đạc, ông Hoàng Xuân Thảo vừa kể, các vết nứt nhà ông xuất hiện chiều 30/7, đến hơn 7h tối sau một tiếng "rắc" thì nhà sụp xuống sông. Gia đình ông Thảo chỉ kịp di dời một số tài sản trước đó.
Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến, ông Nguyễn Tiến Mạnh, cho biết tính đến sáng 31/7, có 6 nhà sập đổ hoàn toàn, 16 nhà sạt trượt một phần, 23 nhà đã nứt nẻ, sụt lún và 35 nhà trong vùng nguy hiểm, khả năng tiếp tục sạt lở.
Từ chiều 30/7, nhận tin báo, Phường đã tổ chức di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm nên các vụ sụt nhà không gây thương vong.
Trong đêm 30 và ngày 31/7, công an, dân quân tự vệ... tiếp tục giúp người dân di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn. Chính quyền cũng mở cửa nhà văn hoá các khu dân cư cho dân có nhu cầu vào ở.
![]() |
Nhiều người dân lo lắng khi gia tài bị chôn vùi dưới dòng sông Đà. Ảnh: Ngọc Thành. |
Theo ông Mạnh, khu vực sạt lở được cảnh báo nằm trong vùng nguy hiểm nên địa phương đã có kế hoạch di dời từ trước. Một số hộ dân đã được thành phố cấp đất tái định cư và không thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, nhiều hộ dân có hoạt động kinh doanh vẫn bám trụ ở lại.
Nhận định nguyên nhân, ông Mạnh cho rằng, mưa lũ kéo dài thời gian qua khiến đất đã nhão, cộng với việc thuỷ điện Hoà Bình xả lũ. Ngày 30/7, khi thủy điện đóng toàn bộ cửa xả, nước rút xuống kéo theo đất nhão gây sạt lở. Ngoài ra, việc khai thác cát, đổ chất thải rắn cũng làm thay đổi dòng chảy sông Đà, khiến nước xói vào bờ.
Ảnh hưởng của đợt mưa ngày 28-29/7 nhiều khu vực ở Hoà Bình có mưa rất to. Lượng mưa đo được tại một số trạm như Kim Bôi 225 mm; Hoà Bình 381 mm; Lâm Sơn 277 mm; Cao Phong 228 mm...
Mưa lũ ở Hoà Bình đã làm ngập trên 2.000 ha lúa và 430 ha hoa màu, một số tuyến đường bị tắc do sạt lở taluy dương và ngập sâu trong nước.
Để đảm bảo an toàn hồ đập, thuỷ điện Hoà Bình trong những ngày qua đã mở một số cửa xả lũ, lúc cao điểm lên tới 4 cửa xả. Trưa 30/7, cửa xả cuối cùng đã được đóng.
Võ Hải - Ngọc Thành
0 nhận xét:
Post a Comment